|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

SSI: Số liệu về tiêu dùng vẫn thấp hơn so với xu hướng tăng trưởng thông thường trước COVID-19

19:30 | 11/05/2023
Chia sẻ
Áp lực về lạm phát cũng đè nặng lên tiêu dùng trong nước khi số liệu về tiêu dùng vẫn thấp hơn so với xu hướng tăng trưởng thông thường trước COVID-19.

Trong báo cáo mới công bố, SSI Research cho biết tiêu dùng trong nước chậm lại. Cụ thể,  doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 11,5% so với cùng kỳ - thấp hơn mức tăng trưởng trung bình ghi nhận được trong 3 tháng đầu năm.

Tính chung trong 4 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ có điều chỉnh lạm phát tăng 8,3% so với cùng kỳ và tăng 26,7% so với giai đoạn 2019.

Tuy nhiên, áp lực về lạm phát cũng đè nặng lên tiêu dùng trong nước khi số liệu về tiêu dùng vẫn thấp hơn so với xu hướng tăng trưởng thông thường trước COVID-19 và dữ liệu doanh thu bán lẻ trong tháng 3 cũng đã điều chỉnh giảm 2% so với ước tính trước đó.

 

Khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 3,7 triệu lượt khách – chỉ bằng 20% tổng lượng khách trong năm 2019.

Trong đó, khách du lịch từ Hàn Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất (29% tổng khách quốc tế tới Việt Nam). Khách Trung Quốc cũng bắt đầu cho thấy sự cải thiện (tăng gần gấp đôi so với tháng 3) sau khi Trung Quốc nối lại việc du lịch theo nhóm sang Việt Nam.

SSI đánh giá sự hồi phục của khách quốc tế tới Việt Nam là tương đối chậm, một phần do chính sách visa vẫn còn khá khó khăn. Chính phủ hiện đã đề xuất điều chỉnh chính sách visa điện tử theo hướng nới lỏng hơn và chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là yếu tố tích cực cho ngành du lịch trong nửa cuối năm nay.

Báo cáo cũng cho biết hoạt động sản xuất ổn định hơn nhưng chưa có tín hiệu phục hồi rõ ràng.

"Hoạt động sản xuất và chế biến chế tạo đã phần nào ổn định hơn trong tháng 4, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 0,5% so với cùng kỳ, trong đó chế biến chế tạo tăng nhẹ (0,2%).

Đáng chú ý, sản lượng sản xuất công nghiệp đã có tín hiệu ổn định hơn ở các sản phẩm xuất khẩu truyền thống như điện thoại (+23% so với cùng kỳ), quần áo may mặc (+7,0%) hay giày dép (+1,3%) hay số lượng nhân công bắt đầu tăng nhẹ so với tháng trước (+0,8%).

Tuy nhiên, sự phục hồi này vẫn cần phải được xem xét kĩ lưỡng hơn trong bối cảnh số liệu PMI hoặc nhập khẩu nguyên vật liệu trung gian vẫn ghi nhận sự sụt giảm tương đối mạnh", các chuyên gia tại đây cho hay.

Ngoài ra, xuất khẩu tháng 4 chưa thấy tín hiệu khả quan, khi giảm -16,2% so với cùng kỳ, trong đó do thủy sản (-33,7%), điện thoại (-33,4%) hay dệt may (-19,5%). Xuất khẩu nông sản là điểm sáng duy nhất trong tháng, với mức tăng trưởng đáng kể từ mặt hàng gạo (+98%) hay hàng rau quả (+22%).

Tín hiệu kém tích cực hơn đến từ việc nhập khẩu, khi giảm -23,1% so với cùng kỳ, trong đó nhập khẩu linh kiện trung gian giảm mạnh như điện thoại (-67%) hay điện gia dụng (-40,5%). Nhờ vậy, thặng dư thương mại tăng lên 7,6 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 

Hồng Hà