SSI Research: Tác động kép từ dịch bệnh và giá thép có thể khiến Coteccons phải điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm
Theo thông tin từ SSI Research, trong buổi họp với các chuyên gia phân tích cuối tháng 7, CTCP Xây dựng Coteccons công bố giá trị hợp đồng ký mới trong nửa đầu đạt khoảng 14.000 tỷ đồng so với mức 7.000 tỷ đồng trong năm 2020.
Trong năm 2021, ban lãnh đạo dự kiến sẽ giành được 22.000 tỷ đồng giá trị đơn đặt hàng mới. Tuy nhiên, với sự bùng phát dịch COVID-19 gần đây, các chuyên gia đánh giá để đạt được kế hoạch trên là điều thách thức. Nếu Coteccons đạt được kế hoạch, điều này sẽ phần nào khẳng định khả năng điều hành của HĐQT và Ban điều hành.
6 tháng đầu năm, Coteccons đạt 5.119 tỷ đồng doanh thu thuần, 99 tỷ đồng lãi sau thuế; giảm lần lượt 32% và 65% so với cùng kỳ năm 2020. So với kế hoạch đề ra, Coteccons mới cùng thực hiện được 29% mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm.
Riêng quý II, Coteccons đạt 2.550 tỷ đồng doanh thu thuần, gần 45 tỷ lãi sau thuế; giảm lần lượt 36% và 71% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của công ty kể từ quý II/2013 tới nay.
Với diễn biến của dịch COVID-19 ở thời điểm hiện tại và việc giá thép leo thang, ban lãnh đạo cho biết ngành xây dựng có thể đối mặt với những thách thức đến hết nửa đầu năm 2022. Do đó, khoảng đầu quý IV, công ty sẽ chia sẻ lại kế hoạch lợi nhuận điều chỉnh năm nay.
SSI Research đánh giá việc tăng giá thép như đề cập ở trên vẫn là một thách thức lớn đối với ngành xây dựng. Như đã thảo luận với các công ty xây dựng khác, các nhà thầu đang phải gồng mình để vượt qua sự gia tăng giá thép trong các hợp đồng mới cộng thêm tình hình cạnh tranh cao của lĩnh vực này vào thời điểm hiện tại.
Trong một báo cáo mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thông tin giá thép chiếm 11% - 16% chi phí đầu vào trong các dự án xây dựng tăng mạnh đã tăng mạnh 40% so với cuối năm 2020 gây áp lực lên biên lợi nhuận gộp của các nhà thầu xây dựng. Do đó, một số dự án buộc phải tạm dừng thi công khi giá vật liệu xây dựng tăng đột biến.
Ngoài ra, sự cạnh tranh gay gắt cũng là nguyên nhân khiến biên lợi nhuận gộp các nhà thầu giảm nửa đầu năm.
Các hoạt động xây dựng sẽ bị hạn chế khi thị trường bất động sản trầm lắng trong bối cảnh các dự án chậm triển khai.
Bên cạnh đó, VDSC đánh giá trong tháng 7 và tháng 8, các hoạt động xây dựng đã bị hạn chế hơn nữa do các yêu cầu phong tỏa nghiêm ngặt từ Chỉ thị 16 của Chính phủ tại TP HCM.
Tài chính lành mạnh có thể hỗ trợ Coteccons giành được các hợp đồng mới
Về dài hạn, Coteccons đặt mục tiêu hướng tới các hợp đồng EPC cho các dự án năng lượng (dự án năng lượng tái tạo và LNG). Việc vay nợ là điều cần thiết trong dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh, tuy nhiên, Coteccons cho rằng trước tiên công ty sẽ tận dụng nguồn tiền ròng mạnh.
Theo các chuyên gia phân tích, tình hình tài chính lành mạnh có thể hỗ trợ công ty giành được các hợp đồng mới. Coteccons có lượng tiền mặt ròng cuối quý II là 3.667 tỷ đồng (tương đương giá trị tiền ròng trên mỗi cổ phiếu khoảng 49.000 đồng).
Điều này giúp công ty có khả năng cung cấp các hợp đồng với các điều khoản hỗ trợ khách hàng như không cần ứng trước và khách hàng sẽ trả thêm một phần lãi tương ứng với lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, SSI Research cũng lưu ý rằng với điều khoản trên cũng có rủi ro làm tăng áp lực áp lực vốn lưu động.
Các khoản ứng trước của khách hàng đóng vai trò là chỉ số hàng đầu cho giá trị đơn hàng mới và tăng trưởng doanh thu. Nhưng đối với Coteccons, tài khoản này sẽ không phản ánh đầy đủ doanh thu trong tương lai vì công ty hiện đang cung cấp các hợp đồng mà khách hàng có thể không cần ứng trước và thanh toán sau khi hoàn thành.
Hết quý II, khoản người mua ứng trước ngắn hạn cho Coteccons có giá trị khoảng 421 tỷ đồng.