SSI Research: Lãi ròng Đạm Phú Mỹ và PVS có thể đột biến trong quí III, ngành điện dự báo tiêu cực
Tại nhóm doanh nghiệp phi tài chính, đáng chú ý có Tổng Công ty Phân bón và Hoá Chất Dầu khí (Mã: DPM) dự kiến ghi nhận lợi nhuận trước thuế (LNTT) quí III tăng đột biến 126% so với cùng kì lên 170 tỉ đồng. Có thể nguyên nhân là chi phí khí đầu vào thấp có lợi cho tỉ suất lợi nhuận của công ty, cũng như gia tăng sản lượng tiêu thụ trên nhiều mặt hàng chủ chốt.
Một doanh nghiệp khác có thể đạt mức tăng trưởng rất cao là Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS). Nguyên nhân là mảng M&C từ dự án Sao Vàng Đại Nguyệt được ghi nhận cao, chưa kể đến mức cơ sở so sánh thấp từ quí III/2019. Theo đó, PVS có thể hoàn thành mức tăng trưởng lãi ròng cả năm theo kế hoạch là 640 tỉ đồng vào tháng 9/2020.
Mặc dù cùng nhóm các doanh nghiệp nhiên liệu – khí đốt, SSI Research dự báo kết quả kinh doanh của PV GAS và PV Drilling đi xuống so với cùng kì.
Trong đó, PV GAS ước tính doanh thu thuần 9 tháng đạt 49.300 tỉ đồng, giảm 17% so với cùng kì và lợi nhuận sau thuế đạt 5.950 tỉ đồng, giảm 34%.
PV Drilling ước tính doanh thu quí III đạt 1.160 tỉ đồng, tăng 8,4% so với cùng kì nhưng lợi nhuận sau thuế thuộc về của cổ đông công ty mẹ chỉ đạt 14 tỉ đồng, giảm 48%. Lũy kế 9 tháng đạt 4.300 tỉ đồng doanh thu, tăng 45% và 100 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế thuộc về của cổ đông công ty mẹ, gấp đôi cùng kì.
Nhóm ngành điện được dự báo khá tiêu cực với Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (Mã: NT2), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power - Mã: POW), CTCP Nhiệt điện Phả Lại (Mã: PPC) đều dự kiến lợi nhuận quí III giảm so với cùng kì.
Xét riêng PV Power, tăng trưởng LNTT quí III ước tính giảm một nửa so với cùng kì do sản lượng điện ước tính giảm 14% - 15%. Giá trung bình thị trường phát điện cạnh tranh (CGM) giảm 26% so với cùng kì trong tháng 7 và 42% trong tháng 8. Ước tính nhu cầu yếu trên toàn quốc cũng sẽ kéo giảm đáng kể giá CGM trong tháng 9.
Ngoài ra, kịch bản cơ sở của SSI Research đối với chi phí dự phòng liên quan đến nợ xấu của EVN khoảng 370 tỉ đồng chi phí dự phòng cho nửa cuối năm 2020. Giả định một nửa trong số này sẽ ghi nhận vào quí III khiến lợi nhuận PV Power giảm đáng kể.
Diễn biến tiêu cực tương tự với nhóm hàng không và dịch vụ hàng không. Do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 khiến lượng khách quốc tế ở mức rất nhỏ trong quí III trong khi đây là nguồn doanh thu và lợi nhuận chính của các công ty này.
Theo đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV) ước tính hòa vốn lợi nhuận trước thuế trong quí này.
Về phía CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco Airs (Mã: AST) có thể tiếp tục lỗ trong quí III do các chuyến bay nội địa chịu ảnh hưởng bởi làn sóng bùng phát COVID-19 thứ hai từ cuối tháng 7 dẫn đến việc giãn cách xã hội TP Đà Nẵng, nguồn thu chính của công ty trong 2 tháng.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) dự kiến ghi nhận doanh thu bán vé máy bay giảm mạnh, kéo theo khoản lỗ trước thuế từ 2.200 đến 2.500 tỉ đồng trong quí III.
Công ty cổ phần FPT (Mã: FPT) dự kiến vẫn duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận quí này khoảng 7%. Điều này là nhờ hai mảng hoạt động cốt lõi (công nghệ và viễn thông), đặc biệt là nhờ thị trường IT trong nước. Sự phục hồi đáng ngạc nhiên của thị trường IT trong nước là do nhu cầu của khách hàng bị dồn nén, cũng như các sáng kiến kiểm soát chi phí được áp dụng hiệu quả.
CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) có thể đạt 15.600 tỉ đồng doanh thu trong quí III, tăng 8,8% so với cùng kì và 3.100 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 16%. Lũy kế 9 tháng, doanh thu đạt 45.300 tỉ đồng, tăng 7,4% so với cùng kì và lợi nhuận sau thuế đạt 8.970 tỉ đồng, tăng 7,4%.
Ngược lại, CTCP Vàng bạc Đá quí Phú Nhuận (Mã: PNJ) ước tính lợi nhuận sau thuế trong quí III giảm từ 13% đến 16% so với cùng kì. Doanh thu bán lẻ ước tính giảm cùng với tỉ suất lợi nhuận thấp hơn do khuyến mại nhiều có thể tác động đến lợi nhuận.