|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

SSI: BIDV đã đề xuất được nới hạn mức tín dụng hàng năm lên 14%

08:18 | 30/05/2023
Chia sẻ
SSI cho biết BIDV đã đề xuất được nới hạn mức tín dụng hàng năm lên 14% từ hạn mức tín dụng ban đầu là 8,36%.

Theo báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết mức tăng tín dụng của quý I của BIDV là mạnh nhất trong 8 năm qua (tăng 5% so với đầu năm hay 75.000 tỷ đồng trong quý I).

Tỷ lệ LDR thuần, do đó, tăng lên 89% so với 85% trong năm 2022. Động lực chính cho sự tăng trưởng đó là các khoản cho vay ngắn hạn đối với các tập đoàn lớn (tăng 8% so với đầu năm) và khách hàng cá nhân (tăng 3,7% so với đầu năm). 

Các chuyên gia cho rằng BIDV có thể đã giải ngân theo những cam kết tín dụng từ năm 2022 hoặc tăng trưởng cho vay của ngân hàng (và VietinBank) cũng phần nào được hưởng lợi từ việc Vietcombank thắt chặt tín dụng trong giai đoạn này.

Với tình trạng các doanh nghiệp thiếu đơn hàng trong điều kiện tài chính doanh nghiệp và dòng tiền yếu, chuyên gia duy trì quan điểm thận trọng đối với các hoạt động mở rộng tín dụng mạnh.

Ngoài ra, BIDV đã đề xuất được nới hạn mức tín dụng hàng năm lên 14% từ hạn mức tín dụng ban đầu là 8,36%, theo quan điểm của SSI, đề xuất này khá tham vọng khi xét đến tỷ lệ CAR hiện tại của ngân hàng. 

 Nguồn: SSI.

Chất lượng tài sản suy giảm nhanh 

Trong quý I, dư nợ nhóm 2 của BIDV đã tăng 45% so với đầu năm lên 37.000 tỷ đồng (tương đương 2,3% tổng dư nợ) phát sinh từ ngành xây dựng, sản xuất thuốc hóa dược, đầu tư khu du lịch và chế biến gỗ.

Nợ xấu tăng vọt 32,8% so với đầu năm (6.000 tỷ đồng) mặc dù đã xóa 1.400 tỷ đồng. Nợ xấu phát sinh từ nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm chăn nuôi gia súc & gia cầm, sản xuất kim loại, đầu tư khu du lịch và nông lâm thủy sản…

Do thị trường bất động sản đình trệ trong thời gian dài, các nhà thầu xây dựng & vật liệu xây dựng trải qua thời kỳ khó khăn trong suốt quý I và chuyên gia cho rằng tình trạng này có khả năng sẽ tiếp tục diễn ra trong quý II.

SSI dự báo chất lượng tài sản của BIDV sẽ vẫn chịu áp lực trong quý II với tỷ lệ nợ xấu có thể vẫn neo ở mức cao và tỷ lệ bao nợ xấu có thể giảm hơn nữa từ mức hiện tại là 171%. Tình hình có thể được cải thiện vào cuối năm, phù hợp với điều kiện kinh tế chung.

Trong năm 2023 và 2024, lợi nhuận trước thuế dự báo lần lượt là 27.400 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ và 31.300 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ.

Động lực chính cho mức tăng trưởng mạnh trong năm 2023 là chi phí dự phòng được kiểm soát trong khi động lực tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 sẽ đến từ NIM tăng lên 2,84% và thu nhập phí tăng trưởng tốt.

Huyền Phương