“Soi sức khỏe” 10 ngân hàng áp dụng Basel II
Dự thảo Thông tư lần thứ 4 Quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm mục tiêu đưa việc quản trị rủi ro cũng như an toàn vốn theo hướng theo chuẩn Basel II, đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến. Dự kiến Thông tư sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2017 đối với 10 ngân hàng thí điểm trên và có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 đối với tất cả các ngân hàng còn lại.
Theo lộ trình, các ngân hàng sẽ tuân thủ Basel II theo Phương pháp chuẩn hóa cho các loại rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động trước tháng 2/2017 và sẽ tiến tới tuân thủ phương pháp nâng cao vào cuối năm 2018.
Tình trạng “sức khỏe” của 10 ngân hàng được thể hiện theo số liệu báo cáo tài chính quý III/2016 của các ngân hàng. Riêng MaritimeBank lấy số liệu cuối năm 2015 vì ngân hàng này đã xin công bố chậm báo cáo tài chính các quý năm 2016 lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Tổng vốn tự có (vốn chủ sở hữu) của 10 ngân hàng tiên phong áp dụng Basel II chiếm gần 44% tổng vốn tự có toàn ngành ngân hàng. So với các ngân hàng còn lại trong hệ thống, vốn tự có của 10 ngân hàng này khá áp đảo, đều khoảng 600 triệu USD (MaritimeBank) đến 2,7 tỷ USD (Vietinbank), riêng VIB là gần 400 triệu USD.
Tương tự, vốn điều lệ của 10 ngân hàng chiếm 39% tổng vốn điều lệ toàn hệ thống và cũng thuộc Top đầu trong ngành ngân hàng từ khoảng 400 triệu USD (8.878 tỷ đồng) đến 1,6 tỷ USD (37.234 tỷ đồng).
Tuy nhiên, theo The Banker về xếp hạng Top 100 ngân hàng ASEAN năm 2016, sự tăng vốn cấp 1 của các ngân hàng Việt trong thời gian qua thấp nhất trong các quốc gia Đông Nam Á, chỉ tăng 4,54%.
Điều này cũng dễ hiểu khi trong hơn 5 năm qua quy định về vốn pháp định của ngân hàng không thay đổi, chỉ ở mức tối thiểu 3.000 tỷ đồng. Dự thảo quy định về tăng vốn pháp định ngân hàng lên mức 5.000 tỷ đồng năm 2012 và lên 10.000 tỷ đồng năm 2015 nhưng không thành.
Tính đến 30/9/2016, tổng tài sản của 10 ngân hàng chiếm 49% toàn hệ thống.
Theo xếp hạng của Tạp chí The Banker về xếp hạng 100 ngân hàng ASEAN năm 2016, Việt Nam đứng thứ hai về tốc độ tăng trưởng tổng tài sản, đạt khoảng 15,6%, trong đó có Vietcombank tăng 23%.
Tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) của 10 ngân hàng so với mức bình quân ngành ngân hàng là 86,09% là khá ổn khi nhiều ngân hàng ở dưới mức này. Có VIB, BIDV, có tỷ lệ LDR cao hơn bình quân ngành, đặc biệt VPBank và Vietinbank cho vay vượt huy động. Điều này do đặc thù của ngân hàng Việt Nam thu nhập chủ yếu dựa vào cho vay. Những ngân hàng có LDR vượt 1 lần buộc phải cải thiện tỷ lệ này khi áp dụng chuẩn Basel II.Tỷ lệ nợ xấu của 10 ngân hàng cơ bản được kiểm soát tốt, dưới mức quy định, chỉ có VPBank vọt lên mức 3,09%.
Tuy nhiên, nợ xấu của ngân hàng chưa được xử lý triệt để, vì các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) vẫn còn phải trích lập dự phòng rủi ro 20% mỗi năm. Điều này ảnh hưởng lớn các chỉ số sinh lời của ngân hàng trong thời gian tới.
Theo The Banker về xếp hạng Top 100 ngân hàng ASEAN năm 2016, Việt Nam đứng gần như đáy bảng xếp hạng Đông Nam Á về tỷ suất lợi nhuận. Tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) của ngân hàng Việt tham gia xếp hạng chỉ đạt 0,8% và lợi nhuận trên vốn (ROC) là 12,19%.
Để tăng năng lực cạnh tranh và cải thiện tỷ suất lợi nhuận buộc các ngân hàng Việt phải tăng vốn, đặc biệt là 10 ngân hàng thí điểm áp dụng Basel II, vì tăng vốn mới giúp ngân hàng cải thiện CAR và theo The Banker, các ngân hàng có được mức lợi nhuận cao cũng là các ngân hàng tăng vốn cấp 1 nhiều nhất.