|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

‘Số phòng lưu trú của Đà Nẵng đã quá nhiều, tại sao vẫn muốn xây thêm khách sạn tại Sơn Trà?’

17:02 | 30/05/2017
Chia sẻ
Trong 5 năm tới, số phòng lưu trú tại Đà Nẵng có thể chứa gấp 5 lần số khách du lịch đến thành phố trong năm 2016. Vậy thì sao phải xây thêm khách sạn tại bán đảo Sơn Trà? Đó là ý kiến mà Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nêu ra.
so phong luu tru cua da nang da qua nhieu tai sao van muon xay them khach san tai son tra
Ông Huỳnh Tấn Vinh cho rằng số phòng lưu trú của Đà Nẵng đã quá nhiều, tại sao thành phố vẫn muốn xây thêm? (Ảnh: Hiếu Quân)

Bên lề Tọa đàm “Phát triển du lịch bền vững tại Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà”, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã trao đổi với báo chí các quan điểm của mình xung quanh vấn đề Quy hoạch bán đảo Sơn Trà hiện nay.

Ông kiến nghị không xây thêm phòng khách sạn lưu trú trên bán đảo Sơn Trà, vậy hiện trạng các khách sạn lưu trú tại đây ra sao? Số phòng ở Đà Nẵng liệu đã đủ để phát triển du lịch?

Hiện trên bán đảo Sơn Trà chỉ có duy nhất một khách sạn. Nó được khen là một trong những khách sạn tốt nhất thế giới, nhưng chúng tôi không vui vì điều đó. Một khách sạn lấy cả một khu rừng làm vườn riêng, làm khuôn viên cho mình, lấy cả bãi biển với view rất đẹp… thì đương nhiên nó đặc biệt rồi. Khách sạn đó đã lấy cả Sơn Trà của mọi người để biến thành riêng của mình, vì nó mà Sơn Trà hoang sơ đã bắt đầu mọc lên các khối bê tông…

Trong 5 năm tới, với 22.000 phòng hiện nay, cộng thêm 5.000 - 10.000 căn condotel nữa thì Đà Nẵng sẽ có tổng số khoảng 30.000 phòng lưu trú, có thể đón đc 20 - 25 triệu lượt khách.

Năm 2016 chúng ta đón 5,5 triệu khách, chỉ bằng 20% con số 25 triệu lượt khách nói trên. Vậy cớ gì phải xây thêm khách sạn? Dù có muốn xây thêm thì tại sao phải phá rừng trên Sơn Trà để xây? vùng ven biển, ven sông Hàn của Đà Nẵng vẫn còn nhiều diện tích mà…

Nếu dừng việc xây khách sạn trên Sơn Trà thì kinh phí đền bù cho doanh nghiệp sẽ là gánh nặng cho thành phố, thưa ông?

Theo tôi, khi thuyết phục được doanh nghiệp để họ thấy việc bảo tồn là quan trọng thì họ có thể chuyển hướng đầu tư. Nếu chính quyền biết cách thì giải quyết không khó.

Doanh nghiệp mới nộp tiền sử dụng đất, thuê đất thôi thì thành phố có thể đổi cho các đơn vị này một khu vực khác để làm, hoặc nếu họ không muốn đầu tư nữa thì trả lại số tiền họ đã nộp vào.

Tôi cho rằng doanh nghiệp có thể sẽ không cố sống cố chết làm cho được dự án, vì nếu phá hủy tự nhiên họ có thể sẽ bị du khách tẩy chay. Hiện có một bộ phận không nhỏ du khách sẵn sàng trả tiền cao hơn để ở khách sạn bảo vệ môi trường, đó đang là xu thế của các khách sạn trên thế giới.

Các doanh nghiệp thành viên trong Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đang sở hữu nhiều khách sạn ở thành phố. Có ý kiến cho rằng kiến nghị không xây khách sạn ở Sơn Trà là để bảo vệ các khách sạn của thành viên Hiệp hội. Ông bình luận ra sao?

Nói thế là sai vì trong số các doanh nghiệp đang xây khách sạn trên Sơn Trà cũng có thành viên của Hiệp hội. Đó là dự án Khu du lịch sinh thái biển Bãi Bắc (Intercontinental) của Công ty cổ phần Địa Cầu làm chủ đầu tư.

Trong các cuộc họp, chúng tôi cũng khuyến cáo phải phát triển du lịch bền vững. Chừng mức nào đó họ nghe, nhưng sức mạnh của lợi ích, của đồng tiền quá lớn… nếu họ nghe rồi thì đã không cần đến cuộc họp ở Hà Nội hôm nay.

Bản thân Hiệp hội cũng không biết các dự án còn lại đã được duyệt Quyết định giao đất, cho thuê đất là gì. Đó có thể là “điều riêng tư” của chính quyền, cấp cho ai chúng tôi không thể biết. Ngay bản Quy hoạch được công bố chúng tôi mới biết, kể cả Hội Quy hoạch thành phố cũng không được lấy ý kiến hay biết gì về bản Quy hoạch này.

Vậy xin ông cho biết quan điểm của mình về bản Quy hoạch này?

Bản Quy hoạch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề ra và đã ký chưa có giải pháp hay giải quyết thấu đáo được vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học tại khu rừng đặc dụng. Nội dung Quy hoạch dựa trên các Quyết định thu hồi đất đai, nhưng chính các Quyết định này lại chưa nhất quán về số liệu, khi thì nói 4.000 ha, khi thì 1.000 hoặc 2.000 ha. Bài học là tất cả các bản Quy hoạch đều đẹp (như Quy hoạch Fomorsa, bô xít Tây Nguyên…) nhưng thực tế lại không phải vậy.

Hiệp hội đề nghị phải rà soát lại cả tài nguyên trên cạn và tài nguyên biển (đang có cái gì và đang giao ai quản lý? giá trị như thế nào? dự báo và biện pháp bảo tồn?) rồi mới nói đến chuyện khai thác du lịch ra sao được. Cho đến khi rà soát xong các nội dung trên thì thành phố cần tạm dừng không cấp phép và thi công các dự án tại bán đảo Sơn Trà.

so phong luu tru cua da nang da qua nhieu tai sao van muon xay them khach san tai son tra
"Nếu chúng ta chọn bảo tồn tự nhiên nơi đây thì lượng khách du lịch sẽ tăng rất nhanh, khi ấy doanh thu sẽ không rơi vào túi “ai đó” mà sẽ phục vụ cả cộng đồng", ông Vinh nói. (Ảnh: Hiếu Quân)

Thành phố cần phát triển bán đảo Sơn Trà theo quy chế mở rộng du lịch nhưng không được gây ra tiếng ồn, không được phá hủy thiên nhiên, thăm quan Sơn Trà nhưng không nhất thiết phải ngủ lại tại bán đảo này. Khi khai thác tốt nhất nên tránh xa rạn san hô ra để bảo vệ cảnh quan, bởi thực tế nhà đầu tư can thiệp vào khai thác thì tự nhiên đều bị phá hủy rất nhanh. Ví dụ, Sơn Trà có khu rừng nguyên sinh với cây đa 800 năm tuổi, nhưng khi bắt đầu phát triển du lịch thì chỉ một năm là sập hết…

Cần đặt câu hỏi: du khách đến Việt Nam để làm gì? Họ không cần các công trình tráng lệ, họ đến vì thiên nhiên hoang dã, vì những khu rừng nhiệt đới Việt Nam, vì voọc chà bá chân nâu, họ muốn trải mình trong những khu rừng… Nếu chúng ta phá rừng đi xây khách sạn thì họ còn đến không?

Nếu chúng ta chọn bảo tồn tự nhiên nơi đây thì lượng khách du lịch sẽ tăng rất nhanh, khi ấy doanh thu sẽ không rơi vào túi “ai đó” mà sẽ phục vụ cả cộng đồng, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy sự phát triển chung của thành phố.

Xin cảm ơn ông!

Hiếu Quân