|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Số người giàu tăng mạnh nhờ thừa kế tài sản

07:48 | 04/12/2023
Chia sẻ
Tính đến hết quý I năm nay khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nơi có số người giàu tăng nhanh nhất thế giới. Trong đó, lần đầu tiên tổng tài sản do thừa kế lớn hơn tài sản được tạo ra trong kinh doanh.

Theo báo cáo của UBS, có một “sự chuyển giao tài sản lớn” đang diễn ra ở châu Á, với việc các tỷ phú mới xuất hiện và phần nhiều tài sản đến từ thừa kế hơn là thông qua kinh doanh.

Tổng cộng 1.180 tỷ đô la Hong Kong (150,8 tỷ USD) đã được thừa kế bởi 53 người trên toàn thế giới trong 12 tháng tính đến tháng 4/2023. Con số này vượt quá tài sản trị giá 1.100 tỷ đô la Hong Kong được tạo ra bởi 84 tỷ phú tự thân mới trong cùng giai đoạn.

Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có số lượng tỷ phú và tỷ phú tự thân cao nhất thế giới. Số tỷ phú tăng từ 922 lên 1.019 người, trong khi tổng tài sản của họ tăng 8,1%, lên 3.700 tỷ USD.

Bà Amy Lo, Chủ tịch UBS Global Wealth Management Asia, cho biết: “Thật thú vị khi thấy khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tạo ra nhiều tỷ phú mới nhất trong giai đoạn này so với các khu vực còn lại. Tổng số 85 tỷ phú mới đến từ Trung Quốc đại lục và đặc biệt là Hong Kong".

Cuộc khảo sát cho thấy 98% tỷ phú mới ở Trung Quốc đều là tự thân. (Ảnh: AFP).

Ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong, số lượng tỷ phú tăng lần lượt là 11,3% và 13,3%. Hầu hết tất cả những người ở Trung Quốc đại lục, chiếm khoảng 98% đều là người giàu tự thân. Các tỷ phú của Indonesia, Philippines và Singapore có mức tăng trưởng tài sản đáng kể nhất, với khối tài sản của họ tăng gần 1/3.

Bà Amy Lo cho biết các nhà quản lý tài sản sẽ cần chú trọng hơn đến việc tìm kiếm sự đồng thuận giữa các thế hệ.

Bà nói: “Việc chuyển giao tài sản lớn giữa các tỷ phú và gia đình giàu có đã bắt đầu. Các tỷ phú ở khu vực châu Á Thái Bình Dương đang ngày càng tìm kiếm những chiến lược gia đình hiệu quả và kế hoạch kế nhiệm phù hợp nhằm đạt được sự đồng thuận giữa các thế hệ về di sản của gia tộc”.

Đây là lần đầu tiên sau 9 năm khảo sát của UBS, các tỷ phú thừa kế nhiều tài sản hơn những gì họ tự tạo ra thông qua hoạt động kinh doanh.

Ông Benjamin Cavalli, người đứng đầu bộ phận khách hàng chiến lược tại UBS Global Wealth Management, dự báo xu hướng này có thể sẽ tồn tại trong 20 năm tới.

UBS dự đoán hơn 1.000 tỷ phú sẽ để lại số tiền ước tính 5.200 tỷ USD cho con cái của họ trong vòng 20 đến 30 năm tới. Một nhóm mới gồm các gia đình nhiều thế hệ đang hình thành, trong đó mỗi thế hệ có quan điểm riêng về di sản và tham vọng của họ.

Ông Cavalli cho biết: “Thế hệ tiếp theo có những quan điểm mới mẻ về kinh doanh, đầu tư và hoạt động từ thiện". Khi những người siêu giàu kế thừa công việc kinh doanh của cha mẹ, họ tập trung nhiều hơn vào các cơ hội và thách thức kinh tế lớn hiện tại, ví dụ như công nghệ đổi mới, chuyển đổi năng lượng sạch và đầu tư tác động.
 
Tài sản của các tỷ phú trên toàn cầu đã phục hồi một phần kể từ đại dịch, nhờ tăng trưởng kinh doanh và một phần được nâng đỡ nhờ các tỷ phú tiêu dùng và bán lẻ của châu Âu, sau khi giảm gần 1/5 trong 12 tháng trước.
 
Trên toàn thế giới, số lượng tỷ phú đã tăng 7% trong năm tính đến tháng 4, từ 2.376 lên 2.544 người. Tổng tài sản của họ tăng trở lại 9%, từ 11.000 tỷ USD lên 12.000 tỷ USD.

Thùy Trang