|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Số lượng doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam năm nay sẽ đạt kỷ lục

08:53 | 24/09/2024
Chia sẻ
Theo ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành USABC năm nay, số lượng các doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam nhằm tìm kiếm và hiện thực hóa các cơ hội đầu tư và thương mại giữa hai bên sẽ đạt kỷ lục

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo Việt Nam (NIC) vào ngày 1 - 2/10 tới đây, loạt lãnh đạo tập đoàn công nghệ toàn cầu của Mỹ như Meta, Qualcomm và NVIDIA… cùng có mặt tại Hà Nội và đóng góp tham luận về đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Cùng trong dịp này, Chủ tịch Tập đoàn Meta sẽ công bố các cam kết lâu dài của Meta tại thị trường Việt Nam.

Trước đó, giữa tháng 4, CEO Apple Tim Cook của Mỹ lần đầu tới Việt Nam cũng đã đề cập mong muốn thúc đẩy hoạt động hợp tác, đầu tư chất lượng cao; cam kết mua nhiều hơn linh phụ kiện do đối tác sản xuất trong nước và đóng góp vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo.

Cuối tháng 3, 50 doanh nghiệp Mỹ hoạt động các lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, dịch vụ tài chính, logistics, sản xuất, năng lượng, hàng không vũ trụ và quốc phòng, y tế, hàng tiêu dùng, nông nghiệp và thực phẩm, quỹ đầu tư cùng nhiều lĩnh vực khác đã đến và tìm hiểu các cơ hội và tiềm năng để đầu tư vào Việt Nam. Đây là hoạt động thường niên do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) tổ chức hàng năm.

Các doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam sẽ đạt kỷ lục

Nhìn nhận về xu hướng này, ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành USABC cho rằng, Việt Nam và Mỹ có rất nhiều cam kết về tăng cường quan hệ kinh tế song phương sau khi hai nước chính thức nâng cấp quan hệ. Chính vì vậy, năm nay, USABC sẽ phá kỷ lục về số lượng các doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam nhằm tìm kiếm và hiện thực hóa các cơ hội đầu tư và thương mại giữa hai bên.

Hiện, các doanh nghiệp Mỹ dành nhiều sự quan tâm đến Việt Nam ở ba lĩnh gồm công nghệ, năng lượng và chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ, Mỹ cam kết giúp Việt Nam phát triển ngành sản xuất chất bán dẫn vốn là lĩnh vực khó, đòi hỏi nhiều yếu tố chẳng hạn lực lượng lao động có trình độ, sự sẵn sàng của những đối tác trong nước, nguồn năng lượng ổn định. 

“Sở dĩ các doanh nghiệp Mỹ quan tâm mạnh mẽ đến Việt Nam, bởi Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có sự ổn định, cởi mở, luôn chào đón người Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ. Chính phủ Việt Nam sẵn sàng thực hiện các bước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư và sẵn sàng giải quyết những thách thức”, ông Ted Osius đánh giá.

Ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành USABC. (Nguồn: Nguyễn Ngọc) 

Còn theo Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper, trong hai năm gần đây, nhiều đoàn của các doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực công nghệ sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư và có nhiều cam kết đầu tư hay mở rộng vào Việt Nam.

Điển hình, đầu tháng 12/2023, trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Tập đoàn NVIDIA của Mỹ cũng xác định Việt Nam là thị trường quan trọng với khoản đầu tư khoảng 250 triệu USD. Theo đó, vào cuối tháng 4 vừa qua, NVIDIA và tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam - FPT đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với trị giá 200 triệu USD để thành lập nhà máy AI Factory. Đây là bước đi quan trọng của NVIDIA tại Việt Nam.

Gần đây nhất, ngày 22/9, dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam với vốn đầu tư tăng thêm 1,07 tỷ USD tại tỉnh Bắc Ninh. Trước đó, giữa năm 2023, Amkor mở cơ sở mới tại Bắc Ninh với vốn đầu tư giai đoạn 1 là 500 triệu USD, Marvell tuyên bố sẽ thành lập trung tâm R&D lớn nhất thế giới tại TP HCM.

Theo ông Marc Knapper, cùng với môi trường pháp lý thuận lợi, việc tiếp cận nguồn điện sạch ổn định, đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo giúp các doanh nghiệp Mỹ yên tâm trong việc đảm bảo cam kết về mục tiêu về khí hậu là những yếu tố để các nhà đầu tư lựa chọn và mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. 

“Bộ Công thương đã thiết lập cơ chế mua bán điện cho doanh nghiệp, để các nhà đầu tư khi đến Việt Nam có thể kí hợp đồng trực tiếp với các nhà máy điện gió, điện mặt trời. Đây là yếu tố vô cùng thuận lợi”, Đại sứ nêu rõ.

Ông Marc Knapper, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. (Nguồn: Nguyễn Ngọc)

Chờ hợp tác sâu rộng trong thời gian tới 

Tuy vậy, Đại sứ cho rằng, đây cũng mới chỉ là hợp tác bước đầu và rất mong chờ hợp tác sâu rộng của các doanh nghiệp giữa hai nước thời gian tới, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn.

Mới đây, Mỹ đã lựa chọn Việt Nam là một trong 8 quốc gia (cùng với Costa Rica, Mexico, Panama, Indonesia, Philippines, Kenya và Ấn Độ) nhận được Quỹ Đổi mới sáng tạo và An ninh công nghệ quốc tế (ITSI) với trị giá 13,8 triệu USD. 

Mục tiêu của quỹ là đa dạng hóa và mở rộng năng lực, gồm lắp ráp, kiểm tra và đóng gói (ATP) bán dẫn toàn cầu, đảm bảo chuỗi cung ứng mạnh mẽ và linh hoạt, thông qua các khóa học miễn phí cho sinh viên quan tâm đến ngành công nghiệp bán dẫn. 

"Mỹ tự hào đầu tư vào tương lai của Việt Nam thông qua các chương trình phát triển lực lượng lao động, qua đó tạo ra mối quan hệ đối tác lâu dài. Cùng nhau, chúng ta đang xây dựng mối quan hệ giữa các tổ chức sẽ định hình ngành công nghiệp bán dẫn trong nhiều năm tới", Đại sứ tin tưởng. 

Trước những thông tin tích cực này, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC, thời gian tới Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội lớn để đón nhận làn sóng đầu tư cho ngành công nghiệp bán dẫn bởi có nguồn nhân lực trẻ và am hiểu công nghệ.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Quyết định số 1018 về Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 theo lộ trình ba giai đoạn và đặt mục tiêu đến 2040, nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 100.000 kỹ sư, cử nhân. 

Vì vậy, khi triển khai Chiến lược này thì nguồn nhân lực này ngày càng tăng lên sẽ đáp ứng nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và của Mỹ nói riêng. “Đây chắc chắn là lợi thế của Việt Nam thu hút dòng vốn trong lĩnh vực bán dẫn", ông Huy kỳ vọng. 

Ngọc Bảo