Sở hữu chuỗi nhà hàng với biên lợi nhuận tới 63%, vì sao Thủy Tạ báo lãi chỉ vài tỷ đồng?
Phê duyệt IPO doanh nghiệp sở hữu Thủy Tạ, Gốm Chu Đậu, Chợ Bưởi: Bán 65% vốn cho NĐT chiến lược | |
Cổ phiếu Nhà hàng Thủy Tạ tăng hơn 120%, nửa đầu năm lãi vỏn vẹn 3 tỷ đồng |
Những ai từng có dịp đến thăm Hà Nội, dạo quanh Hồ Gươm, hẳn đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Nhà hàng café Thủy Tạ. Không chỉ sở hữu vị trí đắc địa, đây gần như được xem là biểu tượng bên Hồ Gươm với nườm nượp du khách đến thăm, chủ yếu là khách nước ngoài.
Tuy nhiên đây chỉ là một trong tổ hợp bốn nhà hàng đang hoạt động của CTCP Thủy Tạ. Ba nhà hàng còn lại đặt ngay đầu phố Lê Thái Tổ gồm Nhà hàng Đình Làng (ẩm thực truyền thống), Nhà hàng Mamarosa (ẩm thực Âu - Ý) và Nhà hàng Long Vân (đồ ăn nhanh, giải khát), không nhiều người biết việc chúng cùng được điều hành dưới tay một chủ.
Nhà hàng Thủy Tạ bên Hồ Gươm |
Do chiếm vị trí đắc địa, dễ hiểu vì sao mà giá đồ ăn, thức uống ở đây đều ở mức mặt bằng khá cao so với thông thường, thậm chí gấp từ hai đến ba lần, nhưng quán thì lúc nào cũng đông khách.
Nhiều người sẽ tò mò xem, với khối lượng khách và giá bán như vậy, doanh thu hàng năm của các nhà hàng này liệu có thể đạt được con số bao nhiêu?
Báo cáo tài chính sau kiểm toán năm 2017 của CTCP Thủy Tạ cho thấy, doanh thu thuần mà công ty đạt được trong năm đạt gần 102,5 tỷ đồng, giảm hơn 7% so với năm trước đó.
Trong đó doanh thu hoạt động nhà hàng đem về khoảng 34 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 33%. Đáng chú ý, với giá vốn hàng bán của hoạt động nhà hàng chỉ là hơn 12,5 tỷ đồng, người ta mới thấy biên lãi gộp mà hoạt động kinh doanh này ấn tượng đến mức nào, đạt trên 63%.
Cơ cấu doanh thu của CTCP Thủy Tạ qua các năm |
Một hoạt động khác nổi tiếng không kém chính là bán kem, kem Thủy Tạ đạt doanh thu 47,4 tỷ đồng trong năm, chiếm tỷ trọng 46,2% trong cơ cấu doanh thu. Biên lãi gộp của mảng kem cũng đạt gần 37%.
So với các năm trước đó, hoạt động nhà hàng của Thủy Tạ duy trì biên lợi nhuận từ 60 – 65%, trong khi hoạt động kinh doanh lại biến động hơn ở những năm trước và gần đây đã ổn định trở lại.
Biên lãi gộp mảng nhà hàng của Thủy Tạ đạt từ 65 - 70% một năm |
Thống kê kết quả kinh doanh cũng cho thấy, tất cả các hoạt động làm ăn của Thủy Tạ đều đem về lợi nhuận, thậm chí cả kinh doanh nước khoáng, nước đá và các hoạt động kinh doanh khác.
Vậy câu hỏi đặt ra, với hoạt động kinh doanh hiệu quả như vậy, doanh thu hàng năm trên trăm tỷ đồng, nguyên nhân nào khiến cho lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ vỏn vẹn vài tỷ đồng?
Xét các khoản chi phí, hàng năm Thủy Tạ dành một khoản rất lớn cho chi phí bán hàng, năm 2017 là gần 35 tỷ đồng trong khi năm trước đó gần 39 tỷ đồng. Khoản mục này chiếm tỷ trọng từ 75-80% so với lợi nhuận gộp hàng năm của công ty. Đáng nói, khoản mục có tỷ trọng lớn như vậy lại không được Thủy Tạ thuyết minh cụ thể trong báo cáo tài chính, hay nói chính xác hơn là không có thuyết minh.
Một hoạt động khác cũng đáng lưu ý, Thủy Tạ thường xuyên chi vượt quỹ tiền lương được phê duyệt từng năm. Năm 2017, Công ty chi vượt hơn 4 tỷ đồng; năm 2016 không đáng kể; tuy nhiên trước đó năm 2015 và 2014 cũng đều ghi nhận số tiền gần 2 tỷ và 6 tỷ đồng. Tổng các khoản chi vượt được chuyển vào khoản phải thu khác tính đến cuối năm 2017 là gần 12 tỷ đồng.
Tổng tài sản của Công ty tính đến ngày 31/12/2017 đạt gần 66 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho 29 tỷ. Các khản nợ vay là không nhiều, nợ vay ngắn hạn và dài hạn chỉ hơn 6 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ chưa đầy 40%.
Thủy Tạ chính là công ty con của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), đơn vị sẽ tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng vào ngày 30/3 tới đây. Gần 76 triệu cổ phần của Hapro, chiếm 34,5% vốn điều lệ sẽ được chào bán với giá khởi điểm 12.800 đồng/cp. Số tiền đem về ước khoảng 1.000 tỷ đồng.
Sau đó, công ty sẽ tiến hành bán 65% vốn cổ phần cho cổ đông chiến lược. Cụ thể Motor N.A đơn vị liên quan đến Tập đoàn BRG đã đặt cọc gần 550 tỷ đồng, chính là nhà đầu tư chiến lược được UBND TP Hà Nội lựa chọn. Để hoàn thành thương vụ, Công ty này sẽ phải rót ra tối thiểu 1.800 tỷ đồng.