Phê duyệt IPO doanh nghiệp sở hữu Thủy Tạ, Gốm Chu Đậu, Chợ Bưởi: Bán 65% vốn cho NĐT chiến lược
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro).
Theo đó, phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Hà Nội kết hợp bán toàn bộ phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp với phát hành thêm để tăng vốn điều lệ. Vốn điều lệ của Hapro sẽ là 2.200 tỷ đồng tương ứng với 220 triệu cổ phần.
Nhà nước không nắm giữ cổ phần; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 1,07 triệu cổ phần, chiếm 0,49% vốn điều lệ; 75,93 triệu cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 34,51% vốn điều lệ; 143 triệu cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 65% vốn điều lệ. Giá khởi điểm chào bán cổ phần lần đầu (IPO) khi thực hiện cổ phần hóa Hapro là 12.800 đồng/cp.
Phương án cổ phần hóa Hapro |
Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng theo quy định và điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ và làm đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước khi không bán hết cổ phần theo Phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hapro thực hiện thuê đất của Nhà nước và trả tiền thuê đất theo phương án sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất; giải quyết các tồn tại về nhà, đất (nếu có) trước khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần.
Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 630 người, tổng số lao động chuyển sang công ty cổ phần là 550 người; tổng số lao động dôi dư là 80 người.
Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập theo quyết định của Thủ tướng chính phủ và UBND Thành phố Hà Nội.
Công ty hiện hoạt động theo mô hình Công ty mẹ – Công ty con với trên 40 đơn vị thành viên, có thị trường tại hơn 70 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Hapro hoạt động trong 2 lĩnh vực chính là kinh doanh Xuất nhập khẩu và Thương mại nội địa. Doanh thu hàng năm của Tổng công ty đạt gần 9.000 tỷ đồng, kim ngạch XNK đạt gần 400 triệu USD.
Bên cạnh đó, Hapro còn chú trọng tới lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ; cung ứng các dịch vụ: nhà hàng ăn uống, du lịch lữ hành, kho vận, trung tâm miễn thuế nội thành; sản xuất, chế biến: hàng thực phẩm, gia vị, đồ uống, thủ công mỹ nghệ, may mặc.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, Hapro đạt doanh thu 1.865 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 11,7 tỷ đồng, giảm tới gần 78% so với 6 tháng đầu năm 2016.
Cơ cấu của Hapro gồm 10 công ty con, trong đó có thể liệt kê ra một số cái tên rất quen thuộc với người dân Hà Nội như CTCP Thực phẩm Hà Nội (nắm 51,6% vốn), CTCP TMDV Tràng Thi (nắm 53,33% vốn), CTCP Thủy Tạ (nắm 51,2%), CTCP Thương Mại và Dịch vụ Chợ Bưởi (nắm 62%), CTCP Gốm Chu Đậu (nắm 51%)…
Nhà hàng Thủy Tạ thuộc CTCP Thủy Tạ |
Thoát lỗ nhờ chuyển quyền thuê đất với Vang Thăng Long, Rượu Hapro lên UPCoM với cổ phiếu dưới mệnh giá
Đáng lưu ý, mức giá khởi điểm chỉ 6.500 đồng/cp và Rượu Hapro mới thoát lỗ vào năm 2016 nhờ vào khoản giao dịch chuyển quyền thuê đất ... |
Hapro chốt tỷ lệ bán 65% cổ phần cho duy nhất một cổ đông chiến lược
Thành phố Hà Nội đã thống nhất phương án bán hết phần vốn nhà nước khi cổ phần hóa Hapro, trong đó 65% cổ phần ... |