Số hóa đồng Nhân dân tệ: Giấc mơ không còn xa
Năm 2020, sau hơn 5 năm “thai nghén”, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã bắt đầu tiến hành quá trình thử nghiệm sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số phát triển trên nền tảng chuỗi khối (blockchain).
Một trong những đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới
Đồng nhân dân tệ phiên bản điện tử của ngân hàng trung ương (CBDC) có giá trị ngang bằng với tờ tiền giấy quen thuộc và được thiết kế để dần thay thế đồng tiền pháp định truyền thống (tiền giấy và tiền xu) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nếu thử nghiệm thành công, đồng tiền này sẽ trở thành một trong những đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành đầu tiên trên thế giới, trái ngược hoàn toàn với các loại tiền điện tử hiện có.
Theo nhận định của giới nghiên cứu thuộc PBoC, CBDC có thể gây ra nhiều tác động đến chính trị, kinh tế, tài chính trên toàn thế giới vì tiền tệ không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề về chủ quyền. Bên cạnh đó, việc ra đời đồng tiền CBDC cũng làm nảy sinh một số tác động đối với các ngân hàng thương mại, nền kinh tế và quan hệ giao thương của Trung Quốc với các nước khác trên thế giới.
Trong nội bộ nền kinh tế, các chuyên gia kỳ vọng rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, việc biến đồng tiền giấy đang lưu hành trở thành tiền kỹ thuật số sẽ cho phép Bắc Kinh điều tiết thị trường một cách hiệu quả hơn.
Cụ thể, trong những năm trở lại đây, người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng ưa chuộng các ứng dụng thanh toán di động thay vì phương thức sử dụng máy tính và thẻ tín dụng truyền thống. Điều này một mặt tạo ra làn sóng đầu tư ồ ạt vào những tài sản mang lại lợi nhuận cao, nhưng mặt khác cũng mang đến nhiều rủi ro trong lĩnh vực tài chính ngầm.
Để giải quyết vấn đề đó, chuyên gia kinh tế Nathan Chow của ngân hàng DBS (Singapore) cho rằng cần có một giải pháp hỗ trợ lĩnh vực cho vay truyền thống, bởi những tiến bộ về công nghệ tài chính đã khiến lĩnh vực này bị bỏ lại phía sau.
Kết quả là sự ra đời của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số - dự kiến được phân phối thông qua hệ thống ngân hàng - sẽ tìm cách khôi phục sự mất cân bằng này.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng CBDC còn có thể giúp hỗ trợ chính sách tiền tệ, đồng thời cho phép truy cập dữ liệu liên quan đến nhu cầu theo thời gian thực.
Hệ thống này cũng có thể được xem là trách nhiệm trực tiếp của ngân hàng trung ương, từ đó mang lại sự an toàn, trong khi các hệ thống thanh toán liên ngân hàng dựa trên nền tảng công nghệ blockchain sẽ có cơ hội hoạt động nhanh hơn, có thể kiểm toán và minh bạch hơn.
“Đối thủ đáng gờm” của đồng bạc xanh?
Tuy nhiên, ở một góc nhìn rộng lớn hơn, đây là trò chơi quyền lực mà Bắc Kinh đang dành khá nhiều tâm huyết.
Cùng với việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đưa ra lời kêu gọi nhanh chóng phát triển công nghệ blockchain, việc triển khai sử dụng thử nghiệm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số là ví dụ điển hình nhất cho thấy tham vọng của Trung Quốc muốn trở thành quốc gia lãnh đạo về tiền tệ kỹ thuật số.
Cùng với đó, tờ báo nhà nước Trung Quốc Nhật báo cũng tuyên bố rằng "hệ thống tiền tệ kỹ thuật số của nước này cung cấp sự thay thế có tính chức năng đối với hệ thống thanh toán bằng đồng USD".
Về mặt tích cực, giới chuyên gia cho rằng đồng tiền này có thể bảo vệ Trung Quốc khỏi những đồng tiền số như bitcoin hay Libra (đồng tiền số do Facebook dự định phát hành) - đồng tiền được thiết kế và kiểm soát bởi những người khác.
Ngoài ra, đồng CBDC cũng giúp Trung Quốc giảm khoảng cách sử dụng đồng nhân dân tệ so với đồng USD, qua đó đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.
Một lợi ích lớn nữa mà đồng tiền điện tử mang lại là làm tăng tốc độ giao dịch. Trong năm 2018, nhu cầu thanh toán của các ngân hàng Trung Quốc là 92.000 giao dịch (GD)/giây.
Tốc độ này vượt xa mức bitcoin có thể hỗ trợ. Ngay cả đồng Libra cũng chỉ đạt 1.000 GD/giây, Paypal đạt 40.000 GD/giây. Trong khi đó, theo nhận định của PBoC, tốc độ giao dịch của đồng CBDC có thể đạt 220.000 GD/giây.
Có một điểm quan trọng không kém, đó là để làm lung lay vị thế thống trị của đồng USD, Bắc Kinh cần phải chiếm lấy ngôi đầu về công nghệ của “Thung lũng Silicon”. Điều này giải thích cho việc Trung Quốc nhanh chóng đưa đồng tiền điện tử nhân dân tệ vào thử nghiệm.
Một nửa số tiền trợ cấp đi lại trong tháng 5/2020 cho các nhân viên công chức làm việc tại thành phố Tô Châu của Trung Quốc sẽ được thanh toán bằng tiền kỹ thuật số (hay còn gọi là DCEP).
Trong khi đó, kế hoạch thí điểm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số triển khai ở Xiong'an - một thành phố vệ tinh của Bắc Kinh đã được áp dụng tại các cửa hàng cà phê, thức ăn nhanh, các cửa hàng bán lẻ, nhà hát và nhà sách. Các cuộc thử nghiệm khác cũng đang được thực hiện tại các thành phố Thành Đô và Thâm Quyến.
Thông qua các nền tảng dịch vụ Alipay và WeChat Pay, khoảng 80% người Trung Quốc sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện các khoản thanh toán, một tỷ lệ cao hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Tại quốc gia Đông Bắc Á, CBDC được cung cấp bởi 4 ngân hàng thuộc sở hữu lớn nhất, do đó đối với người dân, việc sử dụng đồng tiền này sẽ không khác biệt nhiều so với sử dụng các đồng tiền thông thường.
Theo nhận định của ngân hàng Goldman Sachs, sự đón nhận của người dân đối với CBDC có thể diễn ra thuận lợi hơn trong thời điểm hiện tại bởi những lo lắng về khả năng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 thông qua các giao dịch tiền mặt. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nêu lên một số nhược điểm của CBDC, như việc đe dọa đến quyền riêng tư thông tin tài chính của người sử dụng.
Trái với tính phi tập trung của blockchain, danh tính và thông tin của người dùng có thể sẽ được gắn với các ví điện tử riêng lẻ và điều này tạo ra cơ hội thông tin cá nhân bị xâm nhập.
Ngoài ra, liệu đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc sẽ hoạt động như thế nào trong các giao dịch chuyển tiền xuyên biên giới, bởi đây là nơi đan xen nhiều quy định của nhiều quốc gia khác nhau.