|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

So găng lợi nhuận các "ông lớn" UPCoM nửa đầu năm

10:59 | 18/08/2016
Chia sẻ
6 tháng đầu năm, 11 doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất UPCoM đạt 16.480 tỷ đồng doanh thu và 1.050 tỷ đồng lợi nhuận, giảm lần lượt 17% và 15% so với cùng kỳ năm trước.

UPCoM trước đây thường được biết đến là sàn giao dịch của các cổ phiếu có vốn điều lệ, tổng tài sản nhỏ hoặc kết quả kinh doanh kém khả quan. Chẳng thế mà, có thời điểm chỉ 2 - 3 doanh nghiệp như NHN, SDI đã chiếm tới 70-80% vốn hóa UPCoM.

Tuy nhiên, với mục tiêu đưa các doanh nghiệp đã cổ phần hóa buộc phải lên giao dịch trên các sàn giao dịch, hàng loạt các doanh nghiệp lớn đã xuất hiện trên UPCoM.

Thống kê 11 doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng niêm yết trên UPCoM, về thị giá, có những doanh nghiệp thị giá cổ phiếu thuộc top cao nhất trên UPCoM, dẫn đầu đều là những Công ty con của Vingroup (VIC) như VEF (VIC sở hữu 89,42%), SDI (99,73%), NHN (93,9%).

Ngược lại thì thị giá cổ phiếu SBS, bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE vào năm 2013, gần như nằm cuối bảng với 1.200 đồng/cổ phiếu.

Trong 3 tháng vừa qua, có 6/11 cổ phiếu tăng giá, 4 cổ phiếu giảm giá và NHN hoàn toàn không có giao dịch. Tăng trưởng nhiều nhất là GEX với mức tăng 72% nhờ kết quả kinh doanh khả quan.

Thanh khoản của phần lớn các cổ phiếu này thuộc top cao trên thị trường, ngoại trừ NHN và SAS.

so gang loi nhuan cac ong lon upcom nua dau nam
Diễn biến một số cổ phiếu UPCoM trong 3 tháng gần đây

Tổng doanh thu và lợi nhuận 6 tháng cùng giảm

6 tháng đầu năm, 11 doanh nghiệp này đạt 16.480 tỷ đồng doanh thu và 1.050 tỷ đồng lợi nhuận, giảm lần lượt 17% và 15% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản tại thời điểm cuối quý II/2016 là trên 100.800 tỷ đồng và quy mô vốn hóa thị trường tại ngày 17/8 là 23.300 tỷ đồng.

Có thể thấy doanh thu cũng như chi phí tài chính có ảnh hưởng rất lớn tới kết quả kinh doanh nửa đầu năm của 11 doanh nghiệp. Cụ thể, tại doanh nghiệp có vốn hóa cũng như vốn điều lệ lớn nhất trên UpCom là CTCP Tài Nguyên Masan - Masan Resource (Mã: MSR), 6 tháng đầu năm doanh thu đạt 1.745 tỷ đồng, tăng 45% và lãi ròng 70 tỷ đồng, giảm 33% do doanh thu tài chính giảm từ việc giảm nợ đã đối trừ với một công ty liên quan.Có thể thấy, ảnh hưởng từ doanh thu và chi phí tài chính đã khiến kết quả kinh doanh của nhiều ông lớn UPCoM biến động mạnh.

Masan Resource hiện sở hữu mỏ vonfram có trữ lượng hàng đầu thế giới (nằm ngoài Trung Quốc) tại Thái Nguyên. 6 tháng đầu năm 2016, MSR đã khai thác được 2.756 tấn tinh quặng vonfram, tăng 12% cùng kỳ. Trong điều kiện thuận lợi, năm 2016 MSR dự kiến lợi nhuận khoảng 660 tỷ đồng, gấp 3 lần năm trước; mức thấp nhất khoảng 220 tỷ đồng, tăng trưởng 45%.

Đối với 3 công ty con của Vingroup, bỏ qua sự thay đổi về doanh thu do chuyển đổi thành CTCP thì nhờ lãi tiền gửi và cho vay gần 47 tỷ đồng, CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (Mã: VEF) lãi 21 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 2 tỷ đồng.

Trong năm, VEF đặt kế hoạch doanh thu tài chính 52 tỷ đồng, doanh thu thuần 16 tỷ đồng. Đồng thời triển khai 3 dự án lớn: Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia mức đầu tư 36.000 tỷ đồng, Dự án Giảng Võ và Mễ Trì 8.000 tỷ đồng.

CTCP Phát triển Đô thị Nam Hà Nội (Mã: NHN) bị lỗ từ thoái vốn đầu tư, chi phí tài chính tăng vọt, doanh thu thuần giảm 80%. Riêng quý II/2016, NHN lỗ 345 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm lãi 71 tỷ đồng, giảm 86%.

Năm 2016, NHN đẩy mạnh triển khai giai đoạn 2 dự án Times City Park Hill để kịp bàn giao nhà vào năm sau.

Cũng một công ty khác của Vingroup, CTCP Đầu tư Và Phát triển Đô thị Sài Đồng (Mã: SDI) có doanh thu tài chính 413 tỷ đồng, gấp 4,4 lần cùng kỳ. Qua đó, lãi ròng đạt 374 tỷ đồng, gấp 2,5 lần.

Ban lãnh đạo SDI cho hay, kế hoạch doanh thu 1.037 tỷ và lợi nhuận 396 tỷ đồng năm 2016 chủ yếu nhờ ghi nhận một phần dự án Vinhomes Gardenia và cung cấp dịch vụ tại Vinhomes Riverside. Ngoài ra, sẽ ghi nhận thêm lợi nhuận lũy kế chưa phân phối từ thoái vốn khỏi NHN (SDI nắm 5%), lợi nhuận cả năm có thể đạt 700 tỷ đồng.

Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam (Mã: GEX), một trong những cổ phiếu có thanh khoản khá trên UPCoM, doanh thu tài chính gấp 3 lần cùng kỳ; lãi ròng đạt 251 tỷ đồng, tăng trưởng trên 30%.

Trong năm 2016, GEX dự kiến phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu để đầu tư cho khu phức hợp số 10 Trần Nguyên Hãn, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; tái cơ cấu nợ và đầu tư vào lĩnh vực phát điện.

Ngoài ra, GEX phát hành hơn 77 triệu cổ phiếu, giá 18.000 đồng/cp để tăng sở hữu tại CTCP Thiết bị Điện - THIBIDI từ 43.44% lên 70.79% và nắm trên 51% tại doanh nghiệp logistics như Kho vận Miền Nam - Sotrans (Mã: STG). Vốn điều lệ của GEX dự kiến tăng lên 2.322 tỷ đồng.

Với CTCP Gang Thép Thái Nguyên (Mã: TIS), cải thiện biên lãi gộp và giảm chi phí tài chính trong kỳ. Kết quả lãi ròng 162 tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm.

Năm 2016, TIS tiếp tục đầu tư 11 dự án chuyển tiếp và khởi công 4 dự án mới với tổng giá trị khoảng 1.934 tỷ đồng.

so gang loi nhuan cac ong lon upcom nua dau nam
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016 của 11 doanh nghiệp lớn trên UPCoM

Đối với các doanh nghiệp còn lại, Tổng Công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC) thì doanh thu tăng trong khi chi phí kinh doanh giảm. Kết quả lãi 206 tỷ đồng, tăng trưởng 35%.

Năm nay, VGC đầu tư 200 tỷ đồng vào các dự án chuyển tiếp; đầu tư mới vào Khu đô thị mới Đặng Xá – giai đoạn 1 tổng mức 2.800 tỷ đồng, Tổ hợp Thăng Long No1 tổng mức 2.200 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất ước 8.200 tỷ và lãi trước thuế 560 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh của CTCP Dịch Vụ Hàng Không Sân Bay Tân Sơn Nhất (UPCoM: SAS) có được doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng trên 4%, đạt lần lượt 1.050 tỷ và 93 tỷ đồng.

Kế hoạch 2016, SAS đẩy mạnh phát triển sản phẩm phân khúc không bình dân để tăng biên lợi nhuận. Kế hoạch doanh thu tương đương năm trước với 2.021 tỷ đồng trong khi lãi trước thuế tăng gấp đôi, ước 181 tỷ đồng.

Cổ phiếu SGP của CTCP Cảng Sài Gòn (UPCoM: SGP) những tưởng sẽ hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư khi Công ty có các dự án lớn như C.S.G Hiệp Phước hay khu “đất vàng” Nhà Rồng - Khánh Hội, TP HCM. Thế nhưng việc hạch toán lại giá trị sổ sách với khoản lỗ hơn 1.000 tỷ đồng và cạnh tranh khốc liệt thị trường vận tải biển đã khiến nhà đầu tư lớn không còn mặn mà với SGP.

6 tháng đầu năm, chi phí tài chỉnh vọt lên 120 tỷ đồng; lãi ròng đạt 13 tỷ đồng, giảm 10% cùng kỳ, thực hiện khoảng 1/4 kế hoạch năm.

Tại CTCP Chứng Khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Mã: SBS), doanh thu 6 tháng đạt 29 tỷ đồng và lãi 600 triệu đồng.

Với cú trượt chân vào năm 2011 khi lỗ 1.600 tỷ đồng, đến 30/6/2016 SBS vẫn còn lỗ lũy kế 1.300 tỷ đồng. Hiện SBS vẫn chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2016.

Doanh nghiệp duy nhất báo lỗ nửa đầu năm nay là CTCP DAP - VINACHEM (Mã: DDV) lỗ nhiều nhất với 212 tỷ đồng. Nguyên nhân do giảm sản lượng và giá bán, kinh doanh dưới giá vốn, chi phí lãi vay tăng.

DDV phải nỗ lực rất nhiều trong 6 tháng cuối năm để hoàn thành kế hoạch lãi 48 tỷ đồng.

so gang loi nhuan cac ong lon upcom nua dau nam

Tiến Vũ