|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao bất thường do đâu?

08:00 | 03/03/2024
Chia sẻ
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, kể từ sau COVID-19, những khó khăn của doanh nghiệp chưa bao giờ hết như đầu ra gặp khó, giá nguyên phụ liệu tăng cao, lãi suất cao… Sang năm 2024, những khó khăn này không chỉ tác động đến các doanh nghiệp nhỏ, mà còn tác động đến ngay cả doanh nghiệp có quy mô lớn.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong hai tháng đầu năm, cả nước có 41.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Song, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên tới 63.000 doanh nghiệp, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

Con số doanh nghiệp rút lui cao bất thường

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực Cạnh tranh (CIEM). (Ảnh: N.N).

Đánh giá về các con số này khi trao đổi với chúng tôi bên lề Hội nghị triển khai Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia diễn ra sáng 29/2, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực Cạnh tranh (CIEM) cho rằng, thông thường, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thời điểm đầu năm thường thấp hơn so với các tháng giữa năm và cuối năm do rơi vào các tháng Tết có số ngày nghỉ dài.

Dù thấp hơn các giai đoạn khác song số doanh nghiệp gia nhập thị trường luôn nhiều hơn số doanh nghiệp rút lui. Vì vậy, hiện tượng doanh nghiệp rút lui cao đột biến, hơn cả doanh nghiệp gia nhập thị trường xu hướng đi ngược so với trước đây.

Điều này cho thấy, doanh nghiệp đang ngày càng trở nên suy kiệt sau hơn hai năm phải cố gắng bươn chải duy trì hoạt động sau COVID-19 và ứng phó với các yếu tố khó khăn bên ngoài.

“Kể từ sau COVID-19, những khó khăn của doanh nghiệp chưa bao giờ hết như đầu ra gặp khó, giá nguyên phụ liệu tăng cao, lãi suất cao… Sang năm 2024, những khó khăn này không chỉ tác động đến các doanh nghiệp nhỏ, mà còn tác động đến ngay cả doanh nghiệp có quy mô lớn”, bà Thảo nêu rõ.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng qua theo dõi hàng năm, số doanh nghiệp rời bỏ khỏi thị trường trong quý I thường cao hơn các quý còn lại, do là thời điểm kết thúc năm tài chính - doanh nghiệp xem xét còn đủ khả năng tài chính để tiếp tục duy trì hoạt động hay không.

Tuy vậy, so với các tháng cuối năm 2023 (mỗi tháng có khoảng 11.000 - 12.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường) số doanh nghiệp rút lui trong hai tháng đầu năm nay lên tới 31.500 doanh nghiệp, gấp hơn hai lần. Điều này cho thấy những khó khăn của nền kinh tế trong năm 2023 chưa giảm bớt mà vẫn kéo dài sang năm 2024.

“Những xung đột giữa các nước, những trục trặc trong quan hệ giữa các quốc gia đã và đang tác động đến kinh tế Việt Nam nói chung và cộng động doanh nghiệp nói riêng, hiện nhiều ngành hàng của Việt Nam gặp khó do vận tải qua Biển Đỏ bị rủi ro, nhiều chuyến tàu hàng bị đổi hướng cho nên thời gian giao hàng kéo dài chi phí tăng cao”, ông Tuấn quan ngại.

5 khó khăn chính mà doanh nghiệp gặp phải. (Nguồn: Báo cáo Ban IV).

Những tín hiệu tiêu cực cũng được dự báo từ trước khi theo khảo sát từ cuối năm 2023 của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) có tới 82,4% doanh nghiệp đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về tình hình kinh tế.

Cụ thể, có 11,8% doanh nghiệp cho biết dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể; 12,2% doanh nghiệp dự kiến tạm ngừng kinh doanh; 28,2% doanh nghiệp dự kiến giảm mạnh quy mô và 20,6% doanh nghiệp dự kiến giảm nhẹ quy mô.

Trong số các doanh nghiệp dự kiến còn hoạt động năm 2024, có 58,9% có thể giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 16,6% giảm trên 50%. Có 60,2% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu, trong đó tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 17,3%.

Doanh nghiệp cần hỗ trợ trực diện

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV. (Ảnh: N.N).

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV đánh giá nội lực của doanh nghiệp đã bị bào mòn. Trong bối cảnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã nhận được một tỷ lệ nhất định doanh nghiệp đánh giá hiệu quả; hoạt động điều hành của chính quyền địa phương cũng đã nhận được sự đánh giá tích cực hơn so.

“Trong các chính sách hỗ trợ, có ba chính sách được đánh giá cao gồm giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất và giảm thuế giá trị gia tăng từ 10 xuống 2%. Đây là những chính sách có tính hỗ trợ trực diện vào chi phí của doanh nghiệp, giúp cho họ áp lực về chi phí thì họ rất hoan nghênh”, bà Thủy nhìn nhận.

Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh năm 2024 nhiều biến số, bên cạnh tinh thần chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền các địa phương cần phải nỗ lực hơn, đặc biệt trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ 5 khó khăn chính: Khó khăn về đơn hàng; Khó khăn về dòng tiền; Khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật; Nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế và khó khăn về tiếp cận vốn vay.

“Đây là những khó khăn không mới, đã được phản ánh và nêu ra trong khảo sát trước đây, giờ tiếp tục được doanh nghiệp đề cập lại”, bà Thủy nêu rõ.

Ông Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều bất định của thế giới, Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt các chính chính này cần phải ổn định và thuận lợi khi tiếp cận.

Ông Tuấn đề xuất, một trong những chính sách cần tiếp tục thực hiện trong năm nay, đó là kéo dài chính sách hỗ trợ thuế, phí như tiếp tục gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến hết năm vì đây là chính sách quan trọng và hiệu quả cao không chỉ hỗ trợ người tiêu dùng qua giảm thuế mà còn giúp sản xuất kinh doanh sôi động.

“Đối với những chính sách hỗ trợ về giảm thuế phí thì doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được ngay, còn những chính sách hỗ trợ về vốn nếu không thực chất thì mức độ ảnh hưởng lan tỏa ít. Đây là bài học để chúng ta thiết kế chính sách cho doanh nghiệp trong năm 2024”, ông Tuấn nêu.

Nguyễn Ngọc

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.