Singapore dưới đám mây đen kinh tế toàn cầu
Thủ tướng Lý Hiển Long đánh giá Singapore mới chỉ kết thúc giai đoạn đầu của cuộc chiến chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cuộc chiến lâu dài còn đang ở phía trước.
Theo The Straits Times, đại dịch COVID-19 có thể được coi là cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới.
Chỉ trong 6 tháng kể từ khi dịch bệnh bùng phát, thế giới đã có gần 10 triệu người nhiễm bệnh, trong đó gần nửa triệu người tử vong. Không lục địa nào, không đất nước nào có thể tránh được. Sự tàn phá về kinh tế còn khắc nghiệt hơn.
Trong dự báo mới được công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán về tình trạng suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại Suy thoái những năm 1930, nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 4,9% trong năm nay, và đó thậm chí còn chưa phải là kịch bản tồi tệ nhất.
Các nền kinh tế tiên tiến sẽ giảm 8%, trong khi tăng trưởng kinh tế của châu Á sẽ rơi vào mức âm, với tất cả các nền kinh tế khu vực giảm, trừ Trung Quốc – nước có thể đạt mức tăng trưởng 1%. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thương mại thế giới giảm còn 1/3.
Thảm họa kinh tế
Những dữ liệu cho thấy thảm họa kinh tế đang lan rộng. Nhiều nước có tỷ lệ thất nghiệp ở mức 2 con số. Tình trạng bất bình đẳng tăng mạnh khi người lao động được trả lương thấp hơn, chủ yếu trong các ngành dịch vụ.
Hàng triệu doanh nghiệp phá sản, nợ tăng cao khi các công ty và hộ gia đình gia tăng vay mượn để tồn tại. Một số ngành như hàng không, bán lẻ, du lịch khách sạn và dịch vụ giải trí ghi nhận nguy cơ phá sản hàng loạt. Tất cả những điều này lại có tác động tiêu cực, khiến suy thoái sâu hơn.
Cuộc khủng hoảng cũng làm gián đoạn các chuỗi cung ứng khi các nhà máy ở nhiều nước rơi vào tình trạng ngừng hoạt động, tạo ra những cú sốc về nguồn cung.
Các chuỗi cung ứng cũng đang thay đổi khi các nước hướng tới việc đưa sản xuất trở lại trong nước, đặt biệt là sản xuất các hàng hóa thiết yếu như trang thiết bị y tế, và đa dạng hóa các nguồn cung của họ.
Những căng thẳng địa chính trị đang âm ỉ, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, đang đẩy nhanh tiến trình này và cùng với tình trạng thất nghiệp gia tăng là xu hướng bảo hộ gia tăng, thậm chí còn trước khi dịch bệnh bùng phát.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới sẽ làm bùng nổ hơn nữa những tâm lý này khi hai đảng đối lập đua nhau thể hiện thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.
Đối phó với thiệt hại kinh tế, chính phủ các nước trên toàn thế giới đã đưa ra các biện pháp chưa từng có về cả tiền tệ và tài chính.
Ở Singapore, Chính phủ đã bơm gần 93 tỷ SGD (67 tỷ USD) cứu trợ tài chính thông qua 4 gói ngân sách trong chưa đầy 4 tháng, dẫn đến thâm hụt tài khóa lên đến mức kỷ lục - 15,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Chính phủ nước này phải huy động nguồn ngân sách dự trữ với quy mô gấp hơn 10 lần so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Nhưng những biện pháp đối phó này cũng chỉ giảm bớt được một số thiệt hại. Chúng không thể ngăn chặn được đà suy giảm tăng trưởng, hay cứu giúp được các công ty và công ăn việc làm.
Là một nền kinh tế nhỏ, phụ thuộc vào xuất khẩu, Singapore đặc biệt dễ bị tổn thương trước thực trạng thương mại toàn cầu đang bị tàn phá và các chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy. Nước này cũng không dựa được vào thị trường trong nước để thúc đẩy tăng trưởng, như một số nước lớn ở một mức độ nào đó có thể làm được.
Khu vực Đông Nam Á cũng bị tác động tương tự. Các nước láng giềng của Singapore cũng phụ thuộc vào xuất khẩu và dễ bị tổn thương trước những gián đoạn về thương mại và du lịch.
IMF dự báo nền kinh tế của 5 nước lớn nhất Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam – sẽ giảm 2% trong năm nay, sau khi tăng trưởng 4,8% vào năm 2019.
Tuy nhiên, mặc dù bị tác động bởi dịch bệnh, nhưng các nền kinh tế châu Á, cả ở ASEAN lẫn Trung Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan và Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản đều vượt qua tương đối tốt cuộc khủng hoảng COVID-19.
Không thể trở lại trạng thái trước đây
Tuy nhiên, điều làm cho cuộc khủng hoảng này không giống với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác là hậu quả nghiêm trọng của dịch bệnh. Thế giới sẽ không thể trở lại trạng thái như trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Chẳng hạn, khi những thói quen tiêu dùng và làm việc mới được định hình, nhiều ngành nghề sẽ phải thay đổi sâu sắc.
Khi các nhà máy thực hiện giãn cách xã hội và việc đưa sản xuất trở về nước được tăng tốc, nhiều lĩnh vực sản xuất sẽ được tự động hóa và robot hóa. Trong lĩnh vực dịch vụ, các ngành như bán lẻ, giáo dục, kinh doanh và dịch vụ tài chính, và ngay cả giải trí cũng sẽ được số hóa hơn.
Hình thức làm việc tại nhà – một số trong đó sẽ diễn ra lâu dài – sẽ tác động đến cách thức các công ty hoạt động trong nội bộ, tuyển dụng và phục vụ khách hàng của mình. Điều này cũng sẽ tác động đến các lĩnh vực như bất động sản và vận tải trực tiếp.
Trong một số lĩnh vực như du lịch, hàng không, bán lẻ, tình trạng thất nghiệp sẽ lan rộng, với mức độ nghiêm trọng, kéo dài và trong một số trường hợp là vĩnh viễn, khiến nhiều người lao động cần phải có những quyết định về nghề nghiệp làm thay đổi cuộc sống của họ.
Mới đây, Bộ Nhân lực Singapore (MOM) vừa ra bộ quy định mới, theo đó yêu cầu các công ty tuyển dụng "bảo đảm công bằng" cho các ứng viên là công dân nước này trong quá trình xem xét hồ sơ. MOM yêu cầu các nhà tuyển dụng phải tuân thủ "Bộ hướng dẫn về tuyển dụng công bằng" khi tìm nhân sự cho các công ty khách hàng.
Hiện Singapore có khoảng 3.900 công ty tuyển dụng đang hoạt động. Các nhà tuyển dụng phải đưa ra tiêu chí lựa chọn công bằng, theo đó xác định “người Singapore là hạt nhân” trong quá trình tuyển dụng, đồng thời phải có “những nỗ lực đáng kể” trong việc thu hút người Singapore vào các vị trí đang tuyển dụng.
Các nhà tuyển dụng được khuyến cáo cần phải xem xét tất cả các ứng viên dựa trên chất lượng và từ chối các yêu cầu hay định hướng nhân sự của các công ty khách hàng nếu thấy có dấu hiệu “phân biệt đối xử trong tuyển dụng”.
Nếu các công ty tuyển dụng vi phạm, họ sẽ phải đối mặt với các biện pháp phạt như bị tước giấy phép, không được nộp hồ sơ gia hạn hay xin cấp mới giấy phép lao động trong vòng từ 1-2 năm.
Quy định mới được đưa ra trong bối cảnh thất nghiệp tại Singapore gia tăng do tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Tỷ lệ thất nghiệp được dự báo có thể lên tới 4% vào cuối năm 2020, so với mức 2,6% của năm 2019.
Động thái này được nhìn nhận là một phần trong các nỗ lực của Chính phủ Singapore nhằm giải quyết vấn đề việc làm trong bối cảnh tổng tuyển cử đang tới gần. Vấn đề việc làm được cho là sẽ đặt ra nhiều thách thức cho các nhà hoạch định chính sách.
Như nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath đã chỉ rõ trong bài phát biểu của bà tại Diễn đàn Chính sách tiền tệ châu Á được tổ chức ở Singapore hồi đầu tháng 6/2020, trọng tâm chính sách phải thay đổi từ việc tìm cách làm cho người lao động bắt kịp lĩnh vực của họ sang việc phân công lao động vào các doanh nghiệp thực sự tăng trưởng và có khả năng tiếp nhận họ.
Điều may mắn là Singapore có những lĩnh vực và doanh nghiệp đang tăng trưởng hoặc có tiềm năng tăng trưởng như chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ xã hội khác, dược phẩm, tài chính và một loạt dịch vụ liên quan đến công nghệ thông tin khác.
Tuy nhiên, việc tạo ra 100.000 việc làm mới theo dự định của Chính phủ Singapore sẽ là một thách thức rất lớn.
Singapore sẽ phải vượt qua những gián đoạn kinh tế khác và những sự bất trắc mà cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ mang lại, trong đó có những tác dụng phụ và những dư chấn trong một thế giới ít toàn cầu hóa hơn – một số trong đó sẽ xuất hiện chỉ trong vài tháng hoặc vài năm sau đó.
Nếu Singapore mới chỉ vừa kết thúc giai đoạn đầu, thì nước này sẽ còn phải đi con đường rất dài, không chỉ phải giải quyết được cuộc khủng hoảng COVID-19 mà còn cả những hậu quả của nó, có thể là cuộc khủng hoảng dưới một hình thức khác.