|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Siết nợ tòa nhà 18 tầng, dân lo bị đẩy ra đường

16:38 | 07/11/2018
Chia sẻ
VAMC cho biết sẽ thu giữ toàn bộ tòa nhà chung cư Trung Đông Plaza để thu hồi nợ.

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa gửi thông báo tới Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư phát triển Trung Đông (gọi tắt là Công ty Trung Đông) yêu cầu bàn giao toàn bộ tài sản là tòa nhà chung cư Trung Đông Plaza nhằm mục đích xử lý, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật.

Tòa nhà này gồm 120 căn hộ, cao 18 tầng, tọa lạc tại 30 Trịnh Đình Thảo (phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM), do Công ty Trung Đông làm chủ đầu tư (CĐT), khởi công xây dựng từ năm 2010. Chung cư này đã bàn giao cho cư dân vào ở.

“Chủ đầu tư đem con bỏ chợ”

Sáng 6-11, có mặt tại chung cư Trung Đông Plaza, chúng tôi nhận thấy không khí căng thẳng, ngột ngạt bao trùm cư dân nơi đây. Bà Thanh Tuyền, trưởng ban quản lý chung cư, cho biết: Hiện tại rất nhiều hạng mục trong tòa nhà đã bị xuống cấp, hư hỏng. Ví dụ, hệ thống phòng cháy chữa cháy, thang máy hư hỏng liên tục khiến người dân nơm nớp lo lắng cho tính mạng của mình.

“Người dân chung cư bị kẹt thang máy, bị nhốt trong thang máy là chuyện xảy ra như cơm bữa. Gần đây nhất thang máy bị hư hỏng, một doanh nghiệp báo giá sửa chữa lên đến hơn 300 triệu đồng. Việc trục trặc này phát sinh từ tháng 4-2018 và ban quản lý đã gửi công văn cho CĐT yêu cầu hỗ trợ nhưng CĐT chỉ trả lời là sẽ kiểm tra lại. Có điều thời gian chính xác bao giờ sửa chữa thì… không biết” - bà Thanh Tuyền nói.

Đại diện ban quản lý chung cư Trung Đông Plaza cho biết thêm, toàn bộ số tiền phí mà ban quản lý thu từ cư dân hiện nay khoảng 100 triệu đồng, trong khi hằng tháng phải chi ra sửa chữa không biết bao nhiêu thứ, dẫn tới lỗ hơn 20 triệu đồng/tháng.

“Từ ngày bàn giao tới nay, CĐT đem con bỏ chợ. Họ không hề quan tâm giải quyết bất cứ vấn đề gì liên quan đến dự án. Ngay cả số tiền phí bảo trì của tòa nhà 2 tỉ đồng cũng bị CĐT chiếm dụng suốt năm năm qua mà không hề bàn giao. Do đó, mọi chi phí để sửa chữa hệ thống vận hành cho tòa nhà đều phải trích một phần từ phí quản lý và “xin” cư dân đóng góp. Cư dân ở đây vốn đã rất mệt mỏi, từ hôm qua tới giờ khi biết tin tới đây người ta sẽ siết nợ tòa nhà này khiến cư dân càng hoang mang hơn” - đại diện ban quản lý chung cư Trung Đông Plaza bức xúc.

Chị Lê Thị Lam Thùy, cư dân chung cư này, cho biết thêm: Lúc ký hợp đồng mua bán, CĐT cam kết nếu bàn giao trễ hạn sẽ bồi thường toàn bộ chi phí phát sinh cho khách hàng. Thế nhưng đến khi dự án bàn giao chậm một năm, người dân chung cư phải sống cảnh thuê nhà cộng thêm biết bao chi phí phát sinh nhưng CĐT bội tín.

“CĐT không hề đền bù bất cứ một đồng nào như họ đã hứa trước đó. Thậm chí hàng chục gia đình còn thuê luật sư (LS), kéo nhau lên tòa án để mong tòa án giải quyết, song mọi việc chìm vào im lặng khi CĐT vẫn cứ thất hứa hoặc không chịu hợp tác, gặp mặt” - chị Lam Thùy bức xúc.

siet no toa nha 18 tang dan lo bi day ra duong

Người dân đang lo lắng trước thông tin ngày 1-12 tới đây, chung cư Trung Đông Plaza sẽ bị siết nợ. Ảnh: THÙY LINH

Lo bị đẩy ra khỏi nhà

Lý giải về việc buộc CĐT phải bàn giao chung cư Trung Đông Plaza, VAMC cho biết: Do Công ty Trung Đông có khoản nợ tạm tính đến giữa tháng 10 là hơn 82 tỉ đồng. Trong đó, nợ gốc là hơn 33,7 tỉ đồng, lãi hơn 48,7 tỉ đồng.

Trước khi ra thông báo siết nợ, VAMC đã nhiều lần có văn bản đôn đốc, làm việc và yêu cầu công ty này thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định nhưng công ty không thực hiện và cũng không có phương án trả nợ khả thi.

“Dự kiến đến ngày 1-12 tới đây, nếu Công ty Trung Đông không bàn giao tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ, chúng tôi sẽ thu giữ toàn bộ tài sản là chung cư Trung Đông Plaza để xử lý, thu hồi nợ” - đại diện VAMC cho biết.

Trước thông tin này, chị Lam Thùy (cư dân tòa nhà) nói: “Tôi vô cùng hoang mang, lo lắng khi nghe tin tòa nhà này sắp bị siết nợ. Không chỉ tôi mà tất cả cư dân ở đây đều muốn có một cuộc gặp gỡ trực tiếp và làm việc thẳng thắn với CĐT để giải quyết những vấn đề vướng mắc đang tồn tại để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cư dân”.

Nhiều cư dân khác cũng có chung tâm trạng. Bà con mong các cấp chính quyền nhanh chóng vào cuộc để giải quyết sự việc. Bởi lẽ người dân đã phải tích góp, lao động cật lực trong suốt mấy chục năm mới có đủ tiền để mua căn nhà. Vậy mà giờ không biết tương lai của mình sẽ bị định đoạt ra sao, có được sống ở ngay căn hộ mình mua không hay bị đẩy ra đường.

Liên hệ với ông Nguyễn Ngọc Chinh, người đại diện theo pháp luật của CĐT dự án Trung Đông Plaza. Vị này cho biết: “Nợ của công ty đang được tòa thụ lý nên phải chờ phán quyết của tòa chứ công ty cũng không biết phải làm sao”.

Ông Chinh cũng cho hay CĐT vẫn thực hiện bảo trì, sửa chữa tòa nhà như bình thường.

Lý giải về việc chưa bàn giao phí bảo trì cho ban quản trị chung cư, ông Chinh nói: Thứ nhất là do CĐT vẫn chưa nhận đủ số tiền bảo trì của cư dân, còn rất nhiều người đến giờ vẫn chưa đóng. Thứ hai là do tài khoản của ban quản trị chung cư cung cấp cho CĐT để yêu cầu chuyển phí bảo trì lại là tài khoản đứng tên cá nhân nên sợ xảy ra rắc rối.

Luật pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân LS Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa, cho hay: Để bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan (bao gồm cả người mua nhà tại dự án nhà ở), Nghị quyết 42/2017 liên quan đến xử lý nợ xấu của Quốc hội quy định bên nhận chuyển nhượng dự án phải kế thừa các quyền, nghĩa vụ của CĐT dự án và tiến hành các thủ tục để tiếp tục thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng. Như vậy, kể cả khi dự án Trung Đông Plaza bị thu giữ để xử lý nợ thì quyền lợi của khách hàng mua dự án vẫn được luật pháp bảo vệ. Cho dù VAMC được thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với tài sản để xác lập quyền nắm giữ, chi phối trực tiếp tài sản nhưng không được thực hiện biện pháp cưỡng chế đối với người dân. Còn theo LS Lê Trung Phát, Giám đốc Công ty Luật TNHH LS Riêng (Đoàn LS TP.HCM), những người mua căn hộ sẽ là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do vậy, bà con nên thực hiện các công việc sau đây để bảo vệ mình: Tiến hành khởi kiện ra tòa án nhằm đề nghị tòa án có thể tuyên vô hiệu hợp đồng thế chấp mà trước đó CĐT đã mang tài sản đi thế chấp. “Nếu người mua nhà xác định được thời điểm mình ký hợp đồng mua nhà diễn ra sau thời điểm CĐT đã thế chấp căn hộ thì người mua nên nộp đơn lên công an tố cáo tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” - LS Phát khuyến nghị.

Ngân Nga

Xem thêm

Thùy Linh