Shopee lỗ luỹ kế hơn 6.700 tỷ hết năm 2020, âm vốn chủ sở hữu
Trong báo cáo về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp FDI của Bộ Tài chính cho biết năm 2020, dịch COVID là yếu tố tác động và gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế song một số ngành lại được hưởng lợi từ đại dịch như viễn thông, phần mềm.
So với năm 2019, doanh thu nhóm ngành viễn thông, phần mềm tăng 13,2% lên 43.985 tỷ đồng. Trong đó, hai dự án có doanh thu chiếm tỷ trọng lớn nhất là CTCP Airpay và Công ty TNHH Shopee.
Tuy doanh thu tăng cao, quy mô đầu tư lón nhưng hai doanh nghiệp trên vẫn báo lỗ, trong đó Shopee bị lỗ mất vốn.
Ví điện tử AirPay là một sản phẩm của CTCP Airpay và là một trong những sản phẩm nằm trong hệ sinh thái đồng hành với Garena, Ocha, Foody, ShopeeFood và Shopee. Ví điện tử AirPay chính thức đổi tên thành ví ShopeePay từ ngày 8/6/2021.
Năm COVID-19 thứ nhất, doanh thu (bán hàng và tài chính) của Airpay đạt 4.555 tỷ đồng, tăng 47% so với 2019 nhưng công ty ghi nhận lỗ trước thuế 104 tỷ năm 2020, năm 2019 Airpay có lãi 20 tỷ. Lợi nhuận luỹ kế hết năm 2020 chỉ đạt 3 tỷ đồng.
Tại thời điểm hết năm 2020, tổng tài sản của Airpay là 2.077 tỷ đồng, tăng 137% so với năm trước. Nợ phải trả là 1.427 tỷ, tăng 895 tỷ, gấp gần 2,7 lần cùng kỳ năm trước đó. Vốn chủ sở hữu là 650 tỷ đồng, tăng 89%, trong đó chủ sở hữu bổ sung vốn là 140 tỷ.
Khả năng thanh toán ngắn hạn và khả năng thanh toán nhanh của Airpay đều là 1,43 lần. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu năm 2020 là 2,2 lần nhưng vẫn thấp hơn so với toàn ngành.
Về hoạt động kinh doanh năm 2020 của Shopee, công ty ghi nhận doanh thu (bán hàng và tài chính) là 2.329 tỷ đồng, gấp 2,84 lần năm 2019. Công ty lỗ trước thuế tới 1.610 tỷ đồng nhưng đã giảm so với con số lỗ 2.411 tỷ năm 2019. Lỗ luỹ kết hết năm 2020 của Shopee là 6.729 tỷ.
Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của công ty là 3.426 tỷ đồng, tăng 108% so với cuối năm trước đó. Nợ phải trả là 4.888 tỷ, tăng 227% so với năm trước đó. Vốn chủ sở hữu của Shopee âm 1.463 tỷ đồng, lỗ mất vốn do lỗ luỹ kế của công ty vẫn tiếp tục tăng 31% so với năm 2019.
Khả năng thanh toán ngắn hạn và thanh toán nhanh của Shopee năm 2020 cùng ở mức 0,64 lần cho thấy khả năng thanh toán thấp và có thể gặp rủi ro tài chính khi thanh toán các khoản nợ đến hạn do tài sản ngắn hạn thấp hơn nợ phải trả ngắn hạn.
Theo báo cáo của iPrice Group, tổng số lượt truy cập của ba trang thương mại điện tử lớn tại Việt Nam là Lazada, Tiki và Sendo trong quý IV/2021 thậm chí chưa bằng một nửa so với ông lớn Shopee. Shopee với khoảng gần 89 triệu lượt truy cập trong quý, tăng khoảng 14% so với quý III/2021 và khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước.