|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sóng gió với công ty mẹ Shopee: TMĐT kinh doanh mãi chưa có lãi, người dùng hàng quý lần đầu sụt giảm

07:05 | 14/03/2022
Chia sẻ
Free Fire đột ngột bị cấm ở Ấn Độ dội một gáo nước lạnh đối với Garena (Sea). Trong khi đó, mảng kinh doanh Shopee và SeaMoney chưa có lãi.

Sea - từng là cổ phiếu hấp dẫn nhất thế giới, đã mất 130 tỷ USD giá trị vốn hoá so với thời điểm đỉnh cao của năm 2021 sau khi công bố hoạt động kinh doanh quý IV và cả năm 2021 gây thất vọng. Có nhiều nguyên nhân cho thực tế này song Sea vẫn còn nhiều triển vọng tăng trưởng trong tương lai gần.

Giông bão với gà đẻ trứng vàng Garena

Giông bão ập đến với 'ông chủ' Shopee khi 'gà đẻ trứng vàng' Garena giảm nhiệt - Ảnh 1.

Garena (giải trí số), Shopee (thương mại điện tử) và SeaMoney (dịch vụ tài chính) là ba trụ cột trong mô hình kinh doanh của Sea. (Ảnh: Tech in Asia).

Kết quả kinh doanh quý IV/2021 của Garena không hề yên ả. Đăng ký (booking), một chỉ số vận hành mà Sea dùng để ước tính số tiền mà người dùng đã bỏ tiền ra sử dụng dịch vụ của hãng, đạt mốc 1,1 tỷ USD, giảm so với con số 1,2 tỷ USD của quý III.

Người dùng hoạt động hàng quý (QAU) và người dùng trả phí hàng quý (QPU) cũng giảm 10% và 17% lần lượt so với quý trước đó. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên kể từ khi Sea thực hiện IPO vào năm 2017 hãng này ghi nhận QAU đi xuống. Đăng ký (booking) và QPU của hãng này cùng lần đầu tiên giảm từ quý II/2018. Theo đánh giá của Tech in Asia, triển vọng ngắn hạn của Sea cũng không quá lạc quan.

Sea kỳ vọng đăng ký (booking) đạt 3 tỷ USD trong năm 2022, cao những gì công ty này đạt được trong năm 2020 song thấp hơn 1/3 so với số liệu năm 2021.

Giông bão ập đến với 'ông chủ' Shopee khi 'gà đẻ trứng vàng' Garena giảm nhiệt - Ảnh 2.

Đăng ký (bookings) của Garena trong năm 2022 được kỳ vọng đạt 3 tỷ USD, thấp hơn đáng kể so với năm 2021 (đơn vị: tỷ USD). (Nguồn: Sea, Bloomberg, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Sea nói rằng sự "đi lùi" này đến từ việc các hoạt động trực tuyến giảm đi trong bối cảnh nhiều nền kinh tế mở của sau đại dịch, và việc Free Fire bị cấm ở Ấn Độ.

Với việc Garena vẫn được xem là "bò sữa" bơm tiền cho các mảng kinh doanh khác của Sea, các nhà đầu tư đang cảm thấy lo ngại.

Theo Tech in Asia, Sea đang phát triển nhiều trò chơi ở các thể loại khác nhau và ở nhiều giai đoạn khác nhau, tuy nhiên, sẽ mất thêm thời gian để Garena có thể bắt đầu kiếm tiền được từ chúng. Không kể đến việc không có gì chắc chắn chúng sẽ thành công.

Dĩ nhiên, Garena vẫn đang có lãi với EBITDA sau điều chỉnh trong năm 2021 đạt 2,8 tỷ USD. Lúc này, chính phủ Singapore cũng đã thảo luận với chính phủ Ấn Độ về lệnh cấm Free Fire với lý do rằng Sea là một công ty Singapore. Nếu lệnh cấm được dỡ bỏ, những khó khăn dành cho Sea sẽ vơi bớt đáng kể.

Deadline có lợi nhuận đối với Shopee

Ông Forrest Li, chủ tịch và CEO tập đoàn Sea, hiểu rằng các nhà đầu tư bắt đầu quan tâm đến lợi nhuận của Shopee, nhất là khi sàn TMĐT đang ghi nhận chi phí tăng do mở rộng vào nhiều thị trường mới như Mỹ Latinh và Châu Âu.

Giông bão ập đến với 'ông chủ' Shopee khi 'gà đẻ trứng vàng' Garena giảm nhiệt - Ảnh 3.

Số lượng đơn hàng Shopee thực hiện từ năm 2020 đến hết năm 2021 (đơn vị: tỷ). (Nguồn: Sea, Tech in Asia, Đồ hoạ: Thái Sơn)

Trong buổi báo cáo hoạt động kinh doanh gần nhất, ông khẳng định Shopee sẽ có EBITDA sau điều chỉnh (chưa phân bổ các chi phí trụ sở) dương ở Đông Nam Á và Đài Loan vào năm nay.

Shopee có cơ sở cho kỳ vọng này. Lỗ EBITDA trên mỗi đơn hàng của Shopee tại các thị trường Đông Nam Á và Đài Loan là 15 cent trong quý IV/2021, giảm từ con số 21 cent của cùng kỳ năm trước. Trong quý IV/2021, lỗ EBITDA trên mỗi đơn hàng nói chung của Shopee là 42 cent.

Tương tự, ông Li cũng nói rằng SeaMoney được kỳ vọng sẽ có dòng tiền dương vào năm 2023.

Với những lời hứa này, Sea gửi đi thông điệp rằng các thị trường lõi của Shopee và SeaMoney là nền tảng vững chắc để chúng tiếp tục mở rộng ra các thị trường khác, hướng tới mục tiêu "tự cấp vốn cho tăng trưởng dài hạn".

Brazil là thị trường tăng trưởng mới

Trong khi một số nhà đầu tư muốn thấy một kế hoạch có lợi nhuận rõ ràng, một số nhà đầu tư khác lại muốn Sea duy trì được đà tăng trưởng doanh thu, đồng nghĩa với việc Sea cần đẩy mạnh thêm đầu tư và có thể sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận trong ngắn hạn.

Sea đang có một thứ để thu hút các nhà đầu tư. Trước đây, Sea khá kín tiếng về mảng kinh doanh của Brazil và thường nói rằng mọi thứ "đang ở trong giai đoạn đầu" khi được hỏi. Dù vậy, trong năm 2021, Brazil đã được Sea nhắc đến nhiều hơn. 

Lần lượt trong buổi báo cáo hoạt động kinh doanh 4 quý năm ngoái, ông Li nhắc đến Brazil 1 lần, 2 lần, 5 lần và 13 lần. Ông Li gọi Brazil là "thị trường tăng trưởng mới" của Sea đồng thời khẳng định "rất hào hứng với triển vọng tăng trưởng".

Giông bão ập đến với 'ông chủ' Shopee khi 'gà đẻ trứng vàng' Garena giảm nhiệt - Ảnh 4.

(Nguồn: data.ai - số liệu trong tháng 2/2022, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Thực tế, mảng kinh doanh tại Mỹ Latinh của Shopee, đặc biệt là Brazil, được nhắc đến là một trong hai lĩnh vực đầu tư tập trung của Sea, cùng hoạt động nghiên cứu và phát triển. Trong quý IV/2021, Shopee Brazil ghi nhận hơn 140 triệu đơn hàng – tăng 400% so với cùng kỳ - cùng với đó là doanh thu 70 triệu USD.

Về số lượng đơn hàng, quy mô của Shopee Brazil tương đương với Shopee Indonesia vào thời điểm quý III/2019. Brazil có dân số 200 triệu người, lớn thứ 6 trên thế giới. Vì thế, dư địa tăng trưởng dành cho Shopee tại đây vẫn rất khả năng.

Ứng dụng của Shopee cũng có thành tích tốt hơn Mỹ Latinh và Ấn Độ, xét về số lượng người dùng hoạt động và số lượt tải về. Dù vậy, bức tranh của Shopee tại Châu Âu "hỗn độn" hơn. Shopee chưa lọt vào top 10 ứng dụng mua sắm có nhiều người hoạt động nhất ở cả 3 thị trường Châu Âu mà nó có mặt. 

Việc là ứng dụng mua sắm được tải về nhiều nhất ở Tây Ban Nha và Ba Lan có thể hứa hẹn nhiều người dùng hoạt động hơn trong tương lai. Điều tương tự không xảy ra ở Pháp. Đó cũng có thể là lý do Shopee đã quyết định dừng hoạt động tại thị trường này.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thái Sơn