|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đa dạng các loại ví điện tử

21:40 | 30/10/2018
Chia sẻ
Thị trường ví điện tử hiện nay khá sôi động với nhiều thương hiệu tham gia, qua đó mang đến cho người tiêu dùng những sự tiện ích về thanh toán cho các loại hóa đơn, dịch vụ cũng như thúc đẩy việc mua sắm không sử dụng tiền mặt.
da dang cac loai vi dien tu
Mua vé tàu hỏa qua ví điện tử tích hợp trên điện thoại thông minh. Ảnh: Vân Ly.

Thông thường, để sử dụng được các loại ví điện tử, người sử dụng cần có tài khoản ngân hàng đã kích hoạt chức năng ngân hàng điện tử (Internet Banking) hoặc thẻ tín dụng. Sau khi đăng ký tài khoản tại ví điện tử, người sử dụng sẽ thực hiện lệnh chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của mình vào ví dành để thanh toán cho các giao dịch.

Ví điện tử hiện có một số chức năng chính, như thanh toán trực tuyến các loại hóa đơn như nước, điện, cước Internet, truyền hình cáp, mua vé máy bay, thanh toán vay tiêu dùng… Ngoài ra, các thành viên của ví có thể chuyển, nhận tiền cho nhau, hoặc chuyển tiền trong ví về lại ngân hàng đã liên kết với tài khoản.

Ví điện tử dễ sử dụng nhưng vì có liên quan đến việc giao dịch thanh toán nên người sử dụng cũng cần tuân thủ một số điều để việc sử dụng được an toàn và hữu hiệu. Thứ nhất, tránh để lộ mật khẩu, mã OTP khi thanh toán trực tuyến.

Thứ hai, thường xuyên đặt lại mật khẩu, sử dụng những phương thức bảo mật khác nếu có trên điện thoại như bảo mật vân tay, nhận diện khuôn mặt… để nâng cao tính bảo mật.

Thứ ba, nên chọn ví điện tử có những chứng chỉ bảo mật quốc tế như PCI DSS (tiêu chuẩn bảo mật do Hội đồng tiêu chuẩn Bảo mật Quốc tế xác lập), công nghệ xác thực hai lớp (2FA), công nghệ mã hóa đường truyền dữ liệu theo chuẩn SSL/TLS, công nghệ mã hóa số thẻ khách hàng (Tokenization)…

Thứ tư, mỗi loại ví điện tử thường có những liên kết về dịch vụ thanh toán khác nhau nên người tiêu dùng có thể sử dụng cùng một lúc nhiều loại ví để việc thanh toán được dễ dàng và chủ động.

Cuối cùng, các loại ví điện tử mới ra sau này sẽ có thêm nhiều tính năng hữu ích như tạo thẻ tín dụng ảo để mua sắm hàng hóa ở nước ngoài, mua phần mềm, trò chơi từ các kho ứng dụng trên điện thoại di động; thanh toán dư nợ thẻ tín dụng… nên người sử dụng nên lưu ý đến những tiện ích khi chọn dùng các loại ví điện tử.

Sáu loại ví điện tử thông dụng tại Việt Nam

1. Bảo Kim

• Dịch vụ: Cổng thanh toán hỗ trợ những giao dịch thương mại điện tử giữa người bán, người mua trực tuyến. Bảo Kim Store hỗ trợ người tiêu dùng nạp tiền điện thoại, mua thẻ trò chơi, thanh toán hóa đơn (điện, nước, truyền hình, Internet), mua thẻ tín dụng VISA ảo… • Ưu điểm - khuyết điểm: Phù hợp với những ai thường xuyên bán hàng trực tuyến do cổng thanh toán được tích hợp vào trang web của người bán. Các dịch vụ còn lại chưa đa dạng, ứng dụng điện thoại không ổn định.

2. Ngân Lượng

• Dịch vụ: Hỗ trợ cho cá nhân và doanh nghiệp có thể thực hiện nạp tiền, rút tiền, thanh toán. Khách hàng sẽ được kết nối với thư viện tài liệu để nhúng dịch vụ thanh toán bằng ngân lượng khi người mua hàng mua sắm trên trang web của khách hàng. Ngoài ra, một số tiện ích khác về thanh toán các dịch vụ, hóa đơn phổ biến. • Ưu điểm - khuyết điểm: Do chuyên về cổng thanh toán, trung gian cho những giao dịch thương mại điện tử nên các loại hình thanh toán dịch vụ khác chưa đa dạng.

3. MoMo

• Dịch vụ: Kết nối nhiều cửa hàng, dịch vụ ăn uống, giải trí nên thuận tiện cho người dùng khi thanh toán bằng ví Momo. Một số dịch vụ chính của Momo là mua sắm (liên kết với Co.op Mart, Circle K…), ăn uống, giải trí (vé xem phim), đi lại (vé máy bay, tàu hỏa), chuyển nhận tiền bằng tài khoản Momo, thanh toán các loại hóa đơn (điện, nước, Internet, truyền hình cáp). • Ưu điểm - khuyết điểm: Thường xuyên có những khuyến mãi, quà tặng cho thành viên mới cũng như cho người giới thiệu. Chuyển tiền bằng chính số điện thoại người nhận đã có đăng ký tài khoản. Tuy nhiên, có một số nhà cung cấp dịch vụ chưa xuất hiện trên Momo nên người dùng chưa thể thanh toán những loại dịch vụ đó như truyền hình cáp SCTV, HTV, cước Internet Viettel.

4. Zalo Pay

• Dịch vụ: Nạp tiền điện thoại, chuyển và nhận tiền đến hơn 42 ngân hàng, các hóa đơn thanh toán tiền điện, nước, vé máy bay, Internet, truyền hình, thanh toán dư nợ thẻ tín dụng… • Ưu điểm - khuyết điểm: Bảo mật thanh toán với tính năng nhận diện khuôn mặt, thời gian thực hiện một thanh toán trong 2 giây. Tuy nhiên, người tiêu dùng nên có trước tài khoản Zalo để có thể sử dụng hết những tính năng của ví điện tử Zalo Pay.

5. AirPay

• Dịch vụ: Thanh toán hóa đơn tiền nước, điện, Internet, nạp tiền sử dụng điện thoại, mua trò chơi; chuyển tiền theo số điện thoại hoặc tài khoản AirPay, tạo thẻ tín dụng ảo để mua hàng ở nước ngoài… • Ưu điểm - khuyết điểm: Liên kết với ngân hàng TPBank để phát hành thẻ tín dụng thật (sau khi khách hàng có thẻ tín dụng ảo và được xác thực định danh), liên kết với nhiều dịch vụ về ăn uống và giải trí như vntrip.vn, deliverynow.vn để có những sự ưu đãi khi thanh toán đơn hàng qua AirPay.

6. Payoo

• Dịch vụ: Thanh toán hóa đơn tiền nước, điện, Internet, mua sắm trực tuyến (nhờ liên kết với các dịch vụ ăn uống, giải trí) với hơn 1.000 điểm thanh toán đặt tại các cửa hàng có liên kết dịch vụ, trả góp mua sắm với lãi suất 0% tại các cửa hàng, ngân hàng có liên kết với payoo. • Ưu điểm - khuyết điểm: Ngoài ứng dụng trên điện thoại và máy tính, khách hàng có thể thanh toán tại nhiều cửa hàng có đặt máy thanh toán. Gần đây, Payoo có hợp tác với Clip TV, Grab, Sở Du lịch TPHCM để đa dạng hóa các kênh thanh toán trực tuyến, mua sắm cho khách hàng.

Xem thêm

Phúc An

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.