|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Shopee là nền tảng bán hàng livestream đứng đầu khu vực Đông Nam Á

21:10 | 16/01/2023
Chia sẻ
Theo thống kê của Ninja Van, ba nền tảng bán hàng livestream được người bán Đông Nam Á sử dụng nhiều nhất gồm Shopee, Facebook và TikTok.

Sàn thương mại điện tử Shopee đang vượt qua các đối thủ khác để trở thành nền tảng bán hàng livestream (liveselling) được yêu thích nhất trong số các sàn thương mại điện tử được Ninja Van thống kê tại khu vực Đông Nam Á, theo Tech in Asia.

Một cuộc khảo sát được công ty e-logisitics Ninja Van thực hiện với 1.000 thương nhân trên các sàn thương mại điện tử cho thấy có khoảng 27% cho biết họ sử dụng nền tảng Shopee nhiều nhất cho việc bán hàng livestream. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Facebook (25,5%) và TikTok (22,5%).

Tỷ lệ yêu thích của người bán với các nền tảng bán hàng livestream tại Đông Nam Á. (Nguồn: Tech in Asia).

Khoảng 1/3 số người được Ninja Van khảo sát cho biết họ yêu thích hình thức bán hàng livestream và dành trung bình tới 6 tiếng mỗi tuần để thực hiện các buổi bán hàng trực tiếp trên các nền tảng bán hàng khác nhau.

Báo cáo lưu ý rằng trung bình, các thương nhân sử dụng hai kênh để bán hàng trực tiếp, điều này có thể giải thích cho khoảng cách không quá xa giữa Shopee, Facebook và TikTok.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát của Ninja Van cũng củng cố cách TikTok đang có chỗ đứng nhất định trên thị trường thương mại điện tử của khu vực. Theo một báo cáo gần đây của The Information, TikTok Shop đã đạt mức 4,4 tỷ USD về tổng khối lượng hàng hóa vào năm ngoái sau khi tích cực mở rộng sang thị trường Đông Nam Á.

Người phát ngôn của công ty nói với Tech in Asia rằng TikTok Shop sẽ tiếp tục cung cấp “các dịch vụ siêu địa phương trong mỗi thị trường” để thúc đẩy tăng trưởng ở Đông Nam Á trong năm nay.

Trước đó, tính riêng về thị trường thương mại điện tử Việt Nam, Shopee cũng đang là sàn thương mại điện tử phổ biến nhất Việt Nam hiện nay, chiếm gần 73% tổng doanh số của 4 sàn thương mại điện tử lớn nhất cả nước (Shopee, Lazada, Tiki và Sendo), tương đương mức 91.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, Lazada là sàn TMĐT phổ biến thứ hai với doanh thu khoảng 26.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 21%. Sàn TMĐT Tiki chiếm 5% thị phần với doanh thu tương đương 5.700 tỷ đồng còn Sendo chiếm khoảng 1% với doanh thu đạt gần 1.000 tỷ đồng.

Theo Metric, nền tảng số liệu thương mại điện tử (E-commerce – TMĐT), tính từ ngày 1/1 đến ngày 30/11, tổng doanh thu trên 4 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam hiện tại là Shopee, Lazada, Tiki và Sendo đạt mức 135.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng số nhà bán hàng đã phát sinh đơn hàng trên 4 sàn TMĐT này trong cùng khoảng thời gian là 566.000 shop.

Tổng số sản phẩm đã giao thành công trên cả 4 sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam trong giai đoạn 11 tháng đầu năm đạt mức 1,3 tỷ đơn vị sản phẩm. Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu toàn thị trường của năm 2022 so với năm 2021, được tính theo tỷ lệ tăng trưởng của doanh thu tổng ba tháng 9, 10, 11/2022 so với tổng doanh thu ba tháng 9, 10, 11/2021, đạt mức 18,4%.

Trong năm 2021, thống kê từ Metric chỉ ra doanh thu của các sàn TMĐT tập trung chủ yếu vào các tháng cuối năm, cùng thời điểm với mùa mua sắm lễ hội. Tuy nhiên, năm 2022 không có nhiều khác biệt đối với doanh thu của các sàn TMĐT qua từng tháng.

Anh Nguyễn