|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Shopee là công ty TMĐT phổ biến nhất mạng xã hội tháng 6 sau thông tin lên kế hoạch sa thải số lượng lớn nhân viên

08:09 | 26/07/2022
Chia sẻ
Xếp sau Shopee trên bảng xếp hạng các công ty TMĐT phổ biến nhất tháng qua lần lượt là Lazada và Thế Giới Di Động, những đơn vị đã tổ chức các Minigame đạt nhiều tương tác trong tháng qua.

Vừa qua, Reputa đã công bố bản tin ngành Thương mại điện tử (TMĐT) tháng 6. Theo đó, ba đơn vị là Shopee Lazada và Thế Giới Di Động giữ ba vị trí đầu Bảng xếp hạng các công ty TMĐT phổ biến nhất trong tháng.

Trong đó, Shopee nổi bật với các chương trình Minigame Tháng Sáu tưng bừng - Mở voucher khủng (3.399.829 lượt tương tác) và Minigame Quẩy tương tác hè - Nhận quà ngay (1.634.332 lượt tương tác).

Lazada tổ chức chương trình Minigame Săn deal sale lớn, chớp voucher liền (1.105.252 lượt tương tác), Minigame Sale vẫn đang nhiệt, đãi bạn voucher luôn (1.029.175 lượt tương tác).

Tiếp đến là Thế giới di động với các hoạt động nổi bật như Minigame Nhẩm đúng cùng Galaxy A và Minigame Bắt đúng - Trúng ngay. Bên cạnh đó, tháng qua Tiki cũng có các chương trình nổi bật như Minigame Đoán chip kép, định hình chuẩn điện ảnh (206.145 lượt tương tác).

Top 10 công ty TMĐT phổ biến nhất Việt Nam trong tháng 6. (Nguồn: Reputa).

Trong top 10 công ty TMĐT phổ biến nhất tháng, ngoài Shopee, Lazada và Thế Giới Di Động còn có sự xuất hiện của nhiều tên tuổi lớn khác trong ngành như Điện Máy Xanh, FPT Shop, Tiki, Bách Hóa Xanh, Sendo, Media Mart và CellphoneS.

Trong số này, có tới 4 công ty tụt điểm so với tháng trước, bao gồm FPT Shop, Tiki, Media Mart và CellphoneS.

Riêng với hai đơn vị ngoại là Shopee và Lazada, trong tháng 6 vừa qua, ngoài việc tổ chức các sự kiện mua sắm hàng tháng, cả hai công ty còn chứng kiến những biến động liên quan tới nhân sự.

Cụ thể, theo nguồn tin từ Tech in Asia, Shopee đang lên kế hoạch thực hiện “một đợt sa thải với số lượng lớn” cho các hoạt động vận hành quốc tế. Đợt cắt giảm nhân sự này phần lớn sẽ ảnh hưởng tới các nhân sự đang làm việc ở bộ phận ShopeeFood và ShopeePay ở một vài thị trường. Bên cạnh các thị trường Đông Nam Á, Shopee còn hiện diện ở Đài Loan, Brazil, Mexico, Chile và Colombia.

Quyết định nói trên được Shopee chia sẻ đến các nhân sự trong một cuộc họp nội bộ vào ngày 14/6. Dù vậy, lãnh đạo Shopee không chia sẻ chi tiết nguyên nhân cho động thái này. Lãnh đạo Shopee nói rằng nhân sự Shopee sẽ sớm nhận được một email “liệt kê tên” của các nhân sự bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn tới.

Trong khi đó, Lazada cũng chứng kiến sự chia tay của một số lãnh đạo cấp cao. Đầu tháng 6, Alibaba Group mới đây đã thay thế CEO Lazada Group Chun Li bằng người dẫn dắt mảng kinh doanh của Lazada tại Thái Lan, ông James Dong. Người thay thế ông Chun Li cũng từng là trợ lý kinh doanh của ông Daniel Zhang, CEO Alibaba.

Sau đó, nguồn tin từ Tech in Asia cũng cho biết nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc chiến lược của sàn thương mại điện tử Lazada, Magnus Ekbom sắp sửa rời khỏi vị trí của mình. Ông Ekbom được cho là thành viên cuối cùng của nhóm sáng lập Lazada rời khỏi công ty.

Quyết định từ chức của ông Ekbom xuất phát từ việc ông tin rằng đây là "thời điểm tốt nhất để rời đi và nhường lại vị trí cho người khác". Ngoài vai trò là Giám đốc chiến lược, ông Ekbom còn đảm nhận vị trí quyền CEO của Lazada Malaysia từ năm 2021; CEO Lazada Indonesia trong giai đoạn từ 2012-2016.

Website Shopee VN bỏ xa các đối thủ

Reputa cũng công bố 10 website TMĐT hàng đầu theo các chỉ số đo lường. Theo đó, Shopee VN luôn dẫn đầu trong bảng xếp hạng Top 10 trang Website có lượng truy cập nhiều nhất với lượt truy cập vào tháng 6 lên đến 82,1 triệu lượt.

Hai website đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba có khoảng cách tương đối xa với Shopee VN, lần lượt là Thế Giới Di Động (51,2 triệu lượt) và FPT Shop (31,1 triệu lượt).

Đứng ở các vị trí còn lại trong top 10 lần lượt là Lazada VN (18 triệu lượt), Điện Máy Xanh (17,1 triệu lượt), Tiki (14,1 triệu lượt), Hoàng Hà Mobile (10,5 triệu lượt), Bách Hóa Xanh (9 triệu lượt), CellphoneS (7,6 triệu lượt) và Nguyễn Kim (4,5 triệu lượt).

Những website TMĐT có lượt truy cập nhiều nhất tháng. (Nguồn: Reputa).

Trong khi đó, ở danh sách Top 10 Website có lượng trang ghé thăm trung bình cao nhất của tháng 6, Shein chiếm vị trí đầu tiên, kế đến là Shopee và Tiki. Yes24 là website có tỷ lệ thoát trang thấp nhất trong tháng.

Trong tháng qua, top ngành hàng được nhắc tới nhiều nhất trên Facebook là Làm đẹp - Sức khỏe với 4.431.736 tin bài và Nhà cửa - Đời sống với 2.959.149 tin bài, tiếp theo là các ngành Hàng tiêu dùng - Thực phẩm, Thời trang, Phương tiện,... Mặt hàng được nhắc đến nhiều nhất là Tủ lạnh, kế đến là Bánh tráng, Vitamin, Xe máy, Trà sữa, Laptop,...

Các ngành hàng, mặt hàng được tìm kiếm nhiều nhất trên Facebook trong tháng qua. (Nguồn: Reputa).

Theo báo cáo từ Statista, Việt Nam dự kiến sẽ sở hữu thị trường TMĐT lớn thứ hai khu vực Đông Nam Á trước năm 2025, chỉ sau Indonesia. Việt Nam thậm chí đang có mức quy mô mua hàng trung bình (ABS) là 26 USD, cao hơn hai nước đông dân là Thái Lan (25 USD) và Indonesia (18 USD).

Trong khi đó, Reputa nhận định trong những năm gần đây, thị trường TMĐT đã có những bước tăng trưởng vượt bậc, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế cũng như tương lai nền kinh tế số Việt Nam phát triển.

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) năm 2022 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng của thị trường TMĐT Việt Nam năm 2022 có thể đạt mức cao nhất từ trước tới nay nhờ vào việc kiểm soát tốt dịch COVID-19.

Doanh Chính