|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Shopee có thể bị phạt 500 triệu đồng nếu 'bánh cần sa' còn được bán

10:38 | 22/07/2019
Chia sẻ
Nếu còn để "bánh cần sa" tiếp tục được bán trên nền tảng thương mại điện tử Shopee, công ty này có thể bị phạt 500 triệu đồng về hành vi vận chuyển chất ma túy.

Cuối năm 2018, gian hàng Quantrum2011 đã đăng bán nhiều loại bánh, socola với "giá trên trời" ở nền tảng Shopee. Trong một nhóm kín Facebook có tên "VNN***tầng 1" với hơn 6.000 thành viên, nhiều bài đăng giới thiệu đây là các sản phẩm có nguyên liệu là cần sa với tác dụng "gây phê".

Đáng chú ý, các bài đăng giới thiệu công năng, tác dụng của loại "bánh phê" này luôn được gửi kèm liên kết đến gian hàng trên trang thương mại điện tử Shopee.

Trả lời việc này, đại diện Shopee cho biết đã xóa gian hàng và phối hợp với cơ quan công an để điều tra.

Kênh trung gian vận chuyển cần sa sẽ bị phạt tiền 2 triệu đồng

Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, Trưởng văn phòng luật Phan Law, kinh doanh cần sa là hoạt động đầu tư bị cấm tại Việt Nam, theo khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư 2014.

Shopee có thể bị phạt 500 triệu đồng nếu 'bánh cần sa' còn được bán - Ảnh 1.

"Bánh cần sa" được đăng bán trên nền tảng Shopee và quảng cáo ở Facebook.

Theo đó, khi tổ chức, cá nhân có hành vi mua bán trái phép cần sa thì tùy vào tính chất, mức độ mà sẽ bị xử lý hình sự từ 2 năm tù đến tử hình theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp này, nền tảng mua sắm Shopee được sử dụng như một kênh vận chuyển, phân phối hàng hóa nên phía công ty có thể bị phạt tiền 2 triệu đồng theo quy định tại khoản 2, Điều 21, Nghị định 167/2013/NĐ-CP).

Khi đã bị xử lý hành chính mà vẫn còn tiếp tục vi phạm thì lúc này Shopee sẽ bị xử lý hình sự về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy và mức phạt tiền lúc này có thể lên đến 500.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản công ty.

Hiện Shopee duy trì cách đăng ký tài khoản bán hàng khá đơn giản. Người dùng có thể đăng nhập bằng tài khoản Facebook, đăng ký số điện thoại, số tài khoản ngân hàng và bắt đầu tham gia bán hàng.

"Với quy trình đăng ký gian hàng trên Shopee chỉ cần số điện thoại và số tài khoản dẫn đến khi gặp sự cố việc truy vấn nguồn gốc hàng hóa gặp nhiều khó khăn thì Shopee phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", luật sư Phan Vũ Tuấn cho biết.

Shopee có thể bị phạt 500 triệu đồng nếu 'bánh cần sa' còn được bán - Ảnh 2.

Lời giới thiệu về công dụng"gây phê" của loại bánh "phê" kèm liên kết Shopee.

Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 83 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, đối với hành vi không yêu cầu thương nhân, tổ chức, cá nhân là người bán trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cung cấp thông tin theo quy định thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 triệu đồng.

Trách nhiệm Shopee ở đâu?

Trả lời Zing.vn, Shopee cho biết trách nhiệm đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định tại Điều 37.3 của Nghị định 52 là của chủ gian hàng.

"Shopee không phải là một tổ chức có thẩm quyền/chức năng/nghiệp vụ cũng như không có đủ năng lực chuyên môn để thẩm định chất lượng sản phẩm đăng bán có phải là hàng giả/hàng nhái hay không", đại diện Shopee cho biết.

Shopee có thể bị phạt 500 triệu đồng nếu 'bánh cần sa' còn được bán - Ảnh 3.

Hình ảnh "bánh cần sa" được người mua chụp lại, đăng vào nhóm kín để "review" cho người sau.

Tuy vậy, theo luật sư Phan Vũ Tuấn, đây không được xem là lý do thỏa đáng để dung túng các sản phẩm trái pháp luật trên nền tảng thương mại điện tử của Shopee.

"Việc Shopee cho rằng họ không có đủ năng lực để kiểm soát các gian hàng không phải là lý do hợp lý để thoái thác trách nhiệm.

Bởi căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 47/2014/TT-BTC và khoản 9 Điều 6 Thông tư 59/2015/TT-BTC thì thương nhân, tổ chức sở hữu ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải có trách nhiệm ngăn chặn và loại bỏ khỏi ứng dụng các thông tin bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật", người đứng đầu công ty luật Phan Law cho biết.

Cũng theo luật sư Phan Vũ Tuấn, một khi Shopee đã chấp nhận cho các gian hàng thực hiện việc mua bán hàng hóa trên nền tảng của mình để thu lợi nhuận thì phải có cơ chế quản lý phù hợp theo quy định của pháp luật.

"Việc này cũng đồng nghĩa, năng lực bạn có bao nhiêu thì bạn nên chấp nhận số lượng gian hàng phù hợp để có thể kiểm soát và quản lý được. Không thể, vì lợi nhuận bạn chấp nhận cho tất cả các gian hàng kinh doanh trên nền tảng ứng dụng của mình và khi gặp sự cố xảy ra thì bạn lấy lý do là không đủ năng lực kiểm soát để thoái thác trách nhiệm", luật sư Tuấn nói thêm.

Bình Minh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.