|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Shipper tại Hà Nội có thể được phép hoạt động trở lại từ 9h đến 20h mỗi ngày

21:05 | 03/09/2021
Chia sẻ
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải thành phố đã đề xuất cho shipper được phép hoạt động trở lại trên địa bàn.

Chiều 3/9, để đáp ứng nhu cầu vận chuyển của người dân và đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có văn bản gửi UBND thành phố đề xuất cho phép hoạt động vận chuyển, giao nhận hàng hoá, bưu phẩm và bưu chính bằng xe mô tô, xe hai bánh (shipper) được phép hoạt động trở lại, theo Thông tấn xã Việt Nam.

Khung thời gian hoạt động từ 9h đến 20h hàng ngày. Shipper khi giao hàng phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19 trong khoảng thời gian 72 giờ đồng hồ theo quy định từ Bộ Y tế.

Trước đó, từ ngày 24/7, để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, thành phố Hà Nội đã dừng tất cả các hoạt động của shipper. Thành phố khi đó yêu cầu các đơn vị cung cấp ứng dụng gọi xe gồm Grab, Be, Gojek, My Go, FastGo thực hiện việc dừng hoạt động cung cấp ứng dụng gọi xe đối với hoạt động vận tải vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe mô tô.

Tuy nhiên, trước nhu cầu giao nhận hàng hoá trong dịch quá lớn, đến cuối tháng 7, số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy TP Hà Nội đã cấp phép gần 15.000 shipper quay trở lại hoạt động giao nhận hàng hoá.

"Sở Công Thương Hà Nội cũng đề xuất ngành y tế sớm ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng shipper", bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khi ấy chia sẻ.

Shipper tại Hà Nội có thể được phép hoạt động trở lại từ 9h đến 20h mỗi ngày - Ảnh 1.

Shipper Grab. (Ảnh: Zing News).

Về phía Bộ Công Thương, lãnh đạo Bộ nói rằng ủng hộ phương án các địa phương cho phép hệ thống logistics của các sàn thương mại điện tử tiếp tục được hoạt động bình thường trong địa bàn của mình.

Tuy nhiên, điều kiện hoạt động là các sàn thương mại điện tử, công ty giao nhận phải đăng ký danh sách nhân viên hoạt động với Sở Giao thông Vận tải. Nhân viên được đăng ký phải có hợp đồng lao động. Sở Giao thông Vận tải sẽ cấp thẻ hoạt động, hoặc tin nhắn xác nhận hoạt động... tùy theo từng địa phương.

"Quan điểm của Bộ Công Thương là nên duy trì đội ngũ shipper có điều kiện. Bởi khi áp dụng Chỉ thị 16, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao gây áp lực cho các chợ truyền thống, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối. Bản thân các phương thức hiện tại cũng chưa thực sự đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân", thông báo từ Bộ cho hay.

Cũng trong cuộc họp chiều 3/9, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết Sở sẽ tiếp tục phối hợp với ngành Công thương để đảm bảo giao thông phục vụ cho cung ứng hàng hoá.

Về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố, hiện tại, Hà Nội có 6 chùm ca bệnh phức tạp là các chùm ca bệnh tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) có 412 ca mắc; phường Văn Miếu có 113 ca mắc, Văn Chương (Đống Đa) có 89 ca mắc; phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai) có 46 ca mắc; xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) có 17 ca mắc; chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình) có 16 ca mắc.

Sau 3 đợt giãn cách và đặc biệt sau các đợt xét nghiệm diện rộng vừa rồi, thành phố nhận thấy dịch tập trung ở các quận nội thành và có sự lây lan mạnh, trong khi các quận huyện khác đã giảm nguy cơ. 

Do đó, để không phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội, giảm áp lực an sinh, sản xuất và áp lực lên hệ thống chính quyền các cấp, Hà Nội đã quyết định các mức độ giãn cách cụ thể theo phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất. Thời gian thực hiện bắt đầu từ 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9.

Chí Dũng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.