|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sếp Qualcomm: Việt Nam cần nhân tài bán dẫn để cạnh tranh với thế giới

07:00 | 22/01/2024
Chia sẻ
Sau hơn 20 năm hoạt động tại Việt Nam, Qualcomm có hai văn phòng tại Hà Nội và TP HCM, cùng phòng thí nghiệm hiện đại nhất Đông Nam Á.

“Việt Nam cần phát triển tài năng trong lĩnh vực bán dẫn." - đây là những chia sẻ của Tiến sĩ Trần Mỹ An, Phó Chủ tịch Kỹ thuật, mảng Bản quyền công nghệ Tập đoàn Qualcomm tại sự kiện khởi động Qualcomm Vietnam Innovation Challenge 2024 (QVIC 2024).

Tiến sĩ Trần Mỹ An có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành công nghệ không dây. Bà là một nhà phát minh với khoảng 500 bằng sáng chế và hơn 20 ấn phẩm, hiện đang làm việc tại mảng bản quyền công nghệ của Qualcomm.

"Bán dẫn là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất mà chúng ta cần giải quyết, không chỉ cho Việt Nam mà cho cả thế giới. Bán dẫn có mặt trong mọi thứ chúng ta chạm vào ngày nay... Để Việt Nam trở nên nổi bật trên sân chơi toàn cầu, chúng ta cần có những tài năng để có thể thiết kế và xây dựng bán dẫn.

Tôi nghĩ để Việt Nam có thể tăng khả năng cạnh tranh, chúng ta cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển tài năng. Đây cũng cách để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để xây dựng một hệ sinh thái lành mạnh”, TS An nhấn mạnh vai trò của đầu tư vào nhân tài.

 TS Trần Mỹ An (váy trắng bên trái) trò chuyện cũng bà Trương Lý Hoàng Phi. (Ảnh: BTC).

Mới đây, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, Thuỵ Sĩ, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT, nhận xét rằng thanh niên Việt Nam rất thích làm ngành sản xuất chất bán dẫn.

"Để thu hút lực lượng thanh niên vào ngành này phải mở ra cơ hội để thanh niên được làm việc tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tôi hy vọng sẽ có nhiều hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để Việt Nam trở thành điểm đến của ngành”, ông Bình nói.

Tháng 9 năm ngoái, Việt Nam và Mỹ đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện. Một trong những trọng tâm hợp tác trong thời gian tới là thiết lập mối quan hệ đối tác bán dẫn, hỗ trợ chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp Mỹ.

TS Trần Mỹ An cho rằng: “Việt Nam đã được đặt trên bản đồ thế giới, mang lại nhiều cơ hội mới. Để tận dụng cơ hội này, Việt Nam cần tập trung vào việc đầu tư và xây dựng nhân tài. Sinh viên Việt Nam nổi tiếng với khả năng xuất sắc trong toán học và sự tận tâm, điều này tạo nền tảng vững chắc cho sự thành công của Việt Nam trên đấu trường quốc tế".

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thể hiện quan điểm Việt Nam xác định rõ tầm nhìn và quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Việt Nam xác định đây là một động lực phát triển mới và sẽ đầu tư để tham gia vào cả ba công đoạn trong chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn gồm thiết kế, chế tạo và đóng gói; hiện đang tiếp tục tập trung phát triển nền tảng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực và sẽ có chính sách ưu đãi phù hợp.

Ngoài ra, Việt Nam sẽ sớm ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Đề án đào tạo 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn, nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, tạo điều kiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam.

Nhiều tập đoàn lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Samsung, Amkor, Qualcomm, Infineon, Marvell, Hana Micron… Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), Hiệp hội bán dẫn châu Á và một số tập đoàn lớn, các đối tác đều đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Thành Vũ