Sếp FPT: Đừng nghe lời doạ Temu sẽ ‘giết chết’ sản xuất hàng tiêu dùng Việt Nam
Tuần qua, Temu - sàn thương mại điện tử giá rẻ của Trung Quốc, chính thức vào Việt Nam. Thông tin được nhiều người quan tâm, không chỉ người tiêu dùng, nhà sản xuất, nhà bán hàng mà còn cả các nhà hoạch định chính sách.
Trước Việt Nam, Temu đã “làm mưa làm gió” tại những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc,… khi đánh bại Amazon để trở thành sàn thương mại điện tử có lượng truy cập lớn nhất. Khẩu hiệu “mua sắm như tỷ phú” cho thấy chiến lược cạnh tranh bằng giá rẻ của Temu rất rõ ràng. Để có được mức giá này, Temu bỏ qua vai trò trung gian của các nhà bán hàng, phân phối trực tiếp hàng hoá từ nhà máy sản xuất tới tay người tiêu dùng.
Ngoài ra, với sự trợ lực từ tập đoàn mẹ ở Trung Quốc là PDD Holdings, Temu sẵn sàng hy sinh lợi nhuận để giành được thị phần nhanh tại các thị trường nước ngoài.
Những động thái này khiến nhiều thị trường lo lắng bởi làn sóng hàng giá rẻ Trung Quốc càn quét sẽ đe doạ nền sản xuất nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, yếu thế. Bằng chứng là Indonesia để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước đã ban hành lệnh cấm đối với Temu.
Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan cũng đang xem xét tác động của những sàn thương mại như Temu, Shein đối với doanh nghiệp nội địa. Tại Việt Nam, trong tuần qua, Bộ Công Thương yêu cầu Temu tuân thủ pháp luật Việt Nam, nếu không sẽ có giải pháp chặn nền tảng này.
Tuy nhiên, dưới góc độ nhà quản trị doanh nghiệp, ông Đỗ Cao Bảo - Thành viên sáng lập tập đoàn FPT, thành viên Hội đồng quản trị tập đoàn, lại có cái nhìn trung dung hơn đối với việc Temu hiện diện tại Việt Nam.
Ông Bảo nhận định hàng hoá bán trên Temu không có gì mới, là những mặt hàng đang bán trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam từ nhiều năm nay.
“Từ 10 năm trước các tiểu thương Việt Nam đã chào bán các mặt hàng tương tự trên các sàn Lazada, Tiki, Sendo, họ mua hàng từ Quảng Châu, Thâm Quyến, Thượng Hải về. Cỡ 5 năm gần đây Lazada (Alibaba), Shopee bắt đầu xây dựng hệ thống logistics xuyên biên giới để các nhà sản xuất, bán lẻ Trung Quốc bán thẳng cho người tiêu dùng Việt Nam trên các sàn thương mại điện tử của mình”, ông Bảo chia sẻ trên Facebook cá nhân.
Theo lãnh đạo FPT, về bản chất Temu là một sàn thương mại điện tử với hệ thống logistics xuyên biên giới, hàng hoá trên Temu giống như hàng hoá trên Lazada, Shopee, TikTok, Shein. Mô hình kinh doanh của Temu cũng giống như Lazada, Shopee, TikTok, Shein, cũng chỉ là cái chợ, là nơi người bán người mua thực hiện các giao dịch mua bán online.
Trong đó, khác biệt lớn nhất của Temu là hàng hoá bán trên Temu chỉ dành cho các nhà sản xuất, không dành cho các nhà phân phối, bán lẻ. Do đó, theo ông Bảo, vì hàng hoá bán trên Temu không có gì khác, thế nên ảnh hưởng lớn nhất là nhóm thương nhân nhập hàng Trung Quốc về bán trên các sàn Lazada, Shopee, TikTok, Shein.
Và ông khẳng định “Temu ảnh hưởng rất ít đến các nhà sản xuất Việt Nam”.
“Các nhà sản xuất Việt Nam nên bình tĩnh, đừng nghe các lời doạ ‘sản xuất hàng tiêu dùng Việt Nam sẽ chết’. Hiện tại các mặt hàng trên Temu tuyệt đại đa số là hàng no-brand (không thương hiệu - pv), giá cực rẻ, chất lượng vừa phải”, vị lão tướng FPT nhận xét.
Khác biệt thứ hai trên Temu theo ông Bảo là về truyền thông, luật pháp và nộp thuế. Temu đang chi rất nhiều tiền cho truyền thông để tạo ra cơn sốt Temu bất chấp việc chưa làm thủ tục kinh doanh ở Việt Nam, không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Việt Nam.
Nhà lãnh đạo khẳng định cơ quan chức năng chắc chắn sẽ yêu cầu Temu tuân thủ luật pháp, đăng ký kinh doanh ở Việt Nam, bắt buộc các hãng bán hàng trên nền tảng phải khai báo và nộp thuế VAT, thuế nhập khẩu và các loại thuế, phí khác theo luật pháp hiện hành.
Cuối cùng, ông Bảo kết luận: “Hàng hoá rẻ do Temu chọn lựa và quản lý nhà bán hàng, nhà sản xuất cực chặt, ép giá quyết liệt, tận dụng năng lực sản xuất đang thừa của Trung Quốc.
Thế nhưng người tiêu dùng Việt Nam không phải ai cũng chọn hàng hoá giá rẻ, vẫn có nhiều người tiêu dùng muốn hàng hoá chất lượng tốt hơn, hoặc những mặt hàng sản xuất thủ công của Việt Nam hoặc những mặt hàng có thương hiệu riêng. Có nghĩa rằng nhiều hàng hoá Việt Nam vẫn sống ổn nếu giữ được chất lượng, thương hiệu. được chất lượng, thương hiệu”.
Cùng quan điểm với ông Bảo, ông Lê Hải Vũ - CEO Velasboost kiêm nhà sáng lập Made.vn, cho rằng đứng trước thách thức Temu các doanh nghiệp Việt cần tập trung vào xây dựng thương hiệu riêng và tăng tính tự chủ trong chuỗi giá trị.
“Chúng ta cần hướng đến các sản phẩm chất lượng cao, cải thiện dịch vụ hậu mãi và phát triển các kênh bán hàng riêng để giảm sự phụ thuộc vào các sàn thương mại điện tử quốc tế. Dù thị trường đang ngày càng khốc liệt, tôi vẫn tin rằng doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể tìm được chỗ đứng nếu biết tận dụng lợi thế địa phương và xây dựng được những giá trị khác biệt”, ông Vũ nói.