|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Sếp địa ốc Đất Lành lí giải vì sao doanh nghiệp 'ăn gian', chưa có phép đã khởi công, chưa được bán đã bán

09:31 | 16/09/2019
Chia sẻ
“Hiện các thủ tục quá nhiều khiến doanh nghiệp phải ăn gian, chưa được phép khởi công đã khởi công, chưa được bán thì bán. Doanh nghiệp phải ‘cầm đèn chạy trước ô tô’ vì chiếc ô tô đang chết máy giữa đồng”, ông Nguyễn Văn Đực thẳng thắn bày tỏ.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chỉ ra hàng loạt bất cập, khó khăn hiện nay trong quá trình hoạt động, nhất là sự chồng chéo của các văn bản luật khiến nhiều dự án bị chậm tiến độ, thậm chí hơn chục năm vẫn chưa nhúc nhích, tại hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, diễn ra ngày 15/9, tại TP HCM.

Kiến nghị với đại diện Bộ Xây dựng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, các doanh nghiệp bất động sản cho rằng cần sớm có biện pháp hoàn chỉnh hệ thống pháp lí, để tháo gỡ các vướng mắc hiện nay.

Sếp Đất Lành: Thủ tục quá nhiều khiến doanh nghiệp phải "ăn gian", "cầm đèn chạy trước ô tô" vì không thể chịu chết

Phó Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành Nguyễn Văn Đực khẳng định khó khăn nhất với các doanh nghiệp bất động sản hiện chính là có quá nhiều thủ tục pháp lí liên quan. Các doanh nghiệp đang bị vướng trong các thủ tục này khiến quá trình thực hiện dự án khó đảm bảo được tiến độ.

duc-15549421833391026288114

Ông Nguyễn Văn Đực cho rằng hiện các thủ tục quá nhiều khiến doanh nghiệp chưa được phép khởi công đã khởi công, chưa được bán thì bán. (Ảnh: Phúc Minh).

Thậm chí, theo sếp Địa ốc Đất Lành, đây cũng chính là nguyên nhân nhiều doanh nghiệp bất động sản phải vượt rào khiến cơ quan chức năng phải "tuýt còi" thời gian qua.

"Hiện các thủ tục quá nhiều khiến nhiều doanh nghiệp phải ăn gian, chưa được phép khởi công đã khởi công, chưa được bán thì bán. Doanh nghiệp phải 'cầm đèn chạy trước ô tô' vì chiếc ô tô đang chết máy giữa đồng thì chúng tôi phải chủ động không thể chịu chết", ông Nguyễn Văn Đực thẳng thắn bày tỏ.

Theo ông, với những vướng mắc về cơ chế pháp luật, nếu doanh nghiệp không chủ động thì sẽ chết. Bởi mỗi ngày phải bỏ ra từ 200-300 triệu đồng hoặc hơn con số này để vận hành bộ máy. Doanh nghiệp khó mà có thể đứng yên chờ đợi.

"Doanh nghiệp phải có được những điều kiện tốt nhất để làm nhanh, gọn, lẹ. Các anh muốn làm tốt thì các khâu điều hành, chính sách cũng phải như vậy, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp", ông Nguyễn Văn Đực khẳng định.

Thời gian qua, ông Đực liên tiếp có nhiều phàn nàn về môi trường kinh doanh bất động sản, nhất là phân khúc nhà giá rẻ mà doanh nghiệp này đang tập trung. 

Phó Tổng giám đốc Đất Lành từng than khó về thủ tục hành chính, hồ sơ "bị ngâm" tại các sở ngành đến 1,5 năm, khiến tiến độ thực bị ngưng trệ.

"Một dự án của công ty tôi phải mất 18 tháng mới xong thủ tục duyệt đóng bổ sung tiền sử dụng đất. Trong đó, hồ sơ mất 4 tháng nằm ở Sở Tài chính, mất thêm 14 tháng ngâm tại Sở Tài nguyên Môi trường. Với tiến độ thủ tục hành chính liên quan đến đất đai kéo dài như hiện nay, chẳng còn doanh nghiệp nào mặn mà làm, vì chi phí chờ đợi quá lớn", ông Đực bức xúc.

Sun Group: Đừng để doanh nghiệp phải làm lại thủ tục từ đầu

Đồng tình quan điểm của lãnh đạo Công ty Địa ốc Đất Lành, nhiều doanh nghiệp khác cũng lên tiếng về những khó khăn cụ thể tại công ty mình.

Đại diện Sun Group, chủ đầu tư hàng loạt dự án bất động sản, khu nghỉ dưỡng cao cấp, vui chơi giải trí lớn của cả nước, cũng than doanh nghiệp cũng gặp khó trong quá trình đầu tư các dự án. 

IMG_7426

Các doanh nghiệp bất động sản than khó tại hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng 2014. (Ảnh: Phúc Minh).

Theo đó, với những công trình cấp 1 phải xin phép Bộ Xây dựng, nhưng khi công ty muốn xây thêm 1 kí túc xá nhỏ cho nhân viên trong các công trình này, thì theo quy định cũng phải trình lên Bộ, việc này sẽ tạo nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vì thời gian kéo dài.

Đại diện Sun Group cho rằng trong các văn bản luật hiện nay, trách nhiệm của cơ quan nhà nước là thẩm định về nội dung, thiết kế xây dựng nhưng lại không quy định về thời gian thẩm định. Chính vì vậy, không hiếm trường hợp doanh nghiệp phải ngồi chờ cơ quan chức năng thẩm định và không thể biết chính xác khi nào hoàn tất.

"Khi có sự thay đổi về nhân sự thì thủ tục bị bê lại từ đầu. Tôi tin rất nhiều doanh nghiệp cũng gặp phải, không chỉ riêng chúng tôi", đại diện Sun Groupcho biết.

Còn ông Nguyễn Văn Kha, đại diện một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội thì cho hay hàng trăm căn biệt thự của doanh nghiệp gặp khó gần chục năm qua cũng vì thủ tục xây dựng. 

Nguyên nhân là dự án đã được phê duyệt từ năm 2007, tuy nhiên, theo ý kiến khách hàng, doanh nghiệp muốn điều chỉnh một chút kiến trúc bên ngoài nhưng theo quy định, buộc phải lập lại toàn bộ dự án với các quy trình gần như từ đầu.

"Nếu làm thế này thì phá sản luôn, từ năm 2007 nhưng đến 2019, lại bắt lập lại. Dự án này không điều chỉnh diện tích đất mà chỉ điều chỉnh một chút xây dựng bên ngoài. Chúng tôi băn khoăn không biết phải là thế nào cả", ông Kha cho biết.

Chủ doanh nghiệp này bày tỏ dự luật thay đổi luật cũ phải khiến doanh nghiệp dễ thở hơn, việc xin giấy phép xây dựng đơn giản hơn, nếu không thì doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều thời gian.

Đại diện các doanh nghiệp tại TP HCM, ông Lê Hoàng Châu đề xuất một loạt ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 2014.

Trong các đề xuất, ông Châu đặc biệt nhấn mạnh một số trường hợp miễn cấp giấy phép xây dựng chưa thực tế và kiến nghị bổ sung 4 trường hợp được miễn cấp giấy phép xây dựng. Thứ nhất là các công trình đã được Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kĩ thuật thì không nhất thiết phải xin phép Sở Xây dựng.

anh-2-15607644358111295078030-2-15609541076781912079903

110 căn biệt thự của Hưng Lộc Phát tại quận 7, TP HCM bị đình chỉ thi công hồi tháng 6. (Ảnh: Nguyên Hà).

Hai là các công trình hạ tầng kĩ thuật, công trình xây dựng thuộc các dự án nhà ở đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, hoặc bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng và đã được thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kĩ thuật.

Ba là các công trùnh xây dựng nhà ở đơn lẻ (nhà liên kế, biệt thự) trong dự án nhà ở đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở.

Bốn là các công trình xây dựng nhà ở đơn lẻ của cá nhân, hộ gia đình trong đô thị đã có quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 được cơ quan chức nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, quy trình thẩm định thiết kế kĩ thuật và quy trình cấp giấy phép xây dựng hiện nằm tách bạch. Theo ông Châu, sẽ rất mất thời gian cho cho chủ đầu tư nếu phải thực hiện lần lượt cả 3 quy trình này. 

"Quy trình cấp giấy phép xây dựng lẽ ra phải bao gồm trong đó cả quy trình thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế kĩ thuật, nghĩa là phải tích hợp các quy trình này", ông Châu nói.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đánh giá cao các kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP HCM về Dự thảo sửa đổi Luật Xây dựng, vì  đi chi tiết vào những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay.

Theo ông Huy, dựa trên những đề xuất này, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng 2014 sẽ tập trung làm rõ 3 nhóm vấn đề, nhằm đảm bảo sự đồng bộ giữa Luật Xây dựng với các luật liên quan, thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng tạo điều kiện đầu tư kinh doanh thông thoáng, đơn giản cho doanh nghiệp. 

Phúc Minh