Sếp cũ chứng khoán Artex và Tập đoàn FLC làm thành viên HĐQT Chứng khoán Everest
Tập đoàn FLC dự kiến chọn động cơ và thuê máy bay của GE cho Bamboo Airways |
Sếp cũ Tập đoàn FLC được bổ nhiệm Thành viên HĐQT Chứng khoán Everest
CTCP Chứng khoán Everest (Mã: EVS) công bố thông tin về Nghị quyết và Biên bản Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 3/10. Theo đó, công ty bầu bổ sung ông Lưu Đức Quang làm thành viên Hội đồng Quản trị.
Ông Lưu Đức Quang |
Được biết, ông Lưu Đức Quang sinh năm 1974. Hiện, ông Quang không nắm giữ cổ phần của Chứng khoán Everest và đang đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Công ty cổ phần FIG.
Trong quá trình công tác, ông Quang từng đảm nhiệm nhiều vị trí tại các công ty khác như Thành viên HĐQT độc lập của Tập đoàn FLC (Mã: FLC) (từ tháng 4/2013 đến tháng 6/2018), Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Artex (tháng 5/2014 đến tháng 8/2017), Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ Hợp Lực (Unicap) (tháng 8/2017 đến tháng 6/2018).
Chứng khoán Artex ra sao dưới thời ông Lưu Đức Quang?
Trong giai đoạn từ năm năm 2014 - 2017, kết quả kinh doanh của Chứng khoán Artex có nhiều biến động. Doanh thu của công ty giảm từ 44,5 tỉ đồng năm 2014 xuống còn 25,7 tỉ đồng năm 2016. Bên cạnh đó, giai đoạn 2014 - 2016, lợi nhuận sau thuế của công ty cũng giảm từ 24,2 tỷ đồng xuống còn 5,2 tỷ đồng.
Ngày 31/7 và 8/8 năm 2017, Chứng khoán Artex miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT và Tổng Giám đốc đối với ông Quang. Trong năm 2017, công ty ghi nhận kết quả kinh doanh tăng đột biến với doanh thu đạt 154,1 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 88 tỷ đồng. Số lượng tài khoản giao dịch mới cũng tăng hơn gấp đôi, từ 4.100 tài khoản đầu năm lên 8.400 nghìn tài khoản vào cuối năm.
Nguồn: PQ Tổng hợp |
Chứng khoán Everest - Công ty cũ của ông Hà Văn Thắm
Chứng khoán Everest tiền thân là CTCP Chứng khoán Đại Dương (Mã: OCS) dưới thời ông Hà Văn Thắm, được thành lập tháng 12/2006 với vốn điều lệ 50 tỉ đồng. Năm 2014 công ty tăng vốn điều lệ gấp đôi, từ 300 tỉ đồng lên 600 tỉ đồng và cho đến nay chưa tiến hành tăng vốn thêm. Tháng 3/2018, công ty đổi tên từ CTCP Chứng khoán Đại Dương thành CTCP Chứng khoán Everest, đồng thời thay đổi bộ nhận diện thương hiệu.
Về cơ cấu cổ đông hiện nay, Chứng khoán Everest có một cổ đông tổ chức lớn duy nhất là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương sở hữu 5,5% cổ phần. Ngoài ra, công ty còn có 8 cổ đông cá nhân khác sở hữu 73,53% vốn cổ phần, trong đó, ông Vũ Hồng Sơn (Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ) là cổ đông lớn cá nhân sở hữu tỷ lệ cao nhất tỷ lệ 10%. Ông Sơn từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CTCP Tập đoàn Đại dương (Mã: OGC), nơi ông Hà Văn Thắm từng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT.
Ngày 31/1, Tập đoàn Đại Dương hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ 22,5 triệu cổ phần OCS tương ứng 37,5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Chứng khoán Đại Dương. Bên nhận chuyển nhượng là 4 cá nhân bao gồm ông Nguyễn Ngọc Khánh (9,5% vốn); ông Phạm Xuân Thành (9,5% vốn); ông Nguyễn Thanh Tùng và bà Nguyễn Thị Thùy Dương mỗi người nhận khoảng 9% vốn.
Thoát 'bóng' của Tập đoàn Đại Dương, Chứng khoán Everest thêm 'tướng' và tính chuyện tăng vốn nghìn tỷ
Sau giai đoạn thua lỗ năm 2015 - 2016, trong 3 năm gần đây, kết quả kinh doanh của Chứng khoán Everst có sự cải thiện. Năm 2017, công ty báo lãi gần 278 tỉ đồng trong khi năm 2016 lỗ 179 tỷ đồng. Nguyên nhân là công ty hoàn nhập 274,7 tỉ đồng dự phòng khoản thu khó đòi với các khoản cho vay dài hạn trong giai đoạn 2014 - 2016.
Nguồn: PQ tổng hợp |
Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2018, Chứng khoán Everest ghi nhận doanh thu gần 86 tỉ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế gần 18,6 tỉ đồng, gấp hơn 8 lần. Tính đến 30/6, tổng tài sản của công ty đạt 728 tỉ đồng, tăng 47 tỉ đồng so với đầu kỳ.
Cùng với sự cải thiện về kết quả kinh doanh, Chứng khoán Everest có kế hoạch tăng vốn điều lệ nghìn tỉ đồng. Cụ thể, ngày 21/8, công ty ban hành Nghị quyết tăng vốn từ 600 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng với khoảng thời gian dự kiến là quý IV/2018. Số tiền thu được từ đợt phát hành được sử dụng để bổ sung nguồn vốn cho vay giao dịch chứng khoán ký quỹ, nâng cao năng lực tài chính và đầu tư hạ tầng công nghệ, bổ sung nguồn vốn phục vụ hoạt động tự doanh và thực hiện cung cấp các dịch vụ tài chính, chứng khoán khác.
Ngày 1/8, Chứng khoán Everest đăng ký giao dịch 60 triệu cổ phiếu EVS trên UPCoM với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 12.000 đồng/cp. Kết phiên 5/10, giá cổ phiếu này ở 12.600 đồng/cp.
Diễn biến giá cổ phiếu EVS kể từ khi giao dịch trên UPCoM. Nguồn: VNDIRECT |