|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sếp BYD nói gì về các đối thủ xe điện tại Việt Nam?

17:24 | 29/08/2024
Chia sẻ
Ông Võ Minh Lực, Tổng giám đốc BYD Việt Nam, nói hiện tại có 10 thương hiệu xe điện đang giành thị phần ở Việt Nam và dự báo tỷ trọng xe điện có thể sớm đạt 30% trong thời gian ngắn.

Tại sự kiện về ngành ô tô do Báo Đầu tư tổ chức sáng 29/8 ở Hà Nội, CEO BYD Việt Nam Võ Minh Lực thừa nhận VinFast đang là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường xe năng lượng mới trong nước.

Ông Lực nói: “Phải nói thật VinFast đang là dẫn đầu, tiên phong và là Number One hiện nay và vẫn tiếp tục trên con đường dẫn dắt thị trường xe năng lượng mới tại Việt Nam”. 

Ông Võ Minh Lực - Tổng giám đốc BYD Việt Nam tại sự kiện sáng 29/8 ở Hà Nội. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Hiện xe điện chiếm 15% tổng doanh số bán xe toàn thị trường Việt Nam. Trong đó, VinFast sở hữu thị phần lớn nhất. Năm ngoái, hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bán tổng cộng gần 34.900 ô tô điện, trong đó phần lớn doanh số đến từ Việt Nam. Đối chiếu với doanh số các thương hiệu xe xăng đang phân phối tại Việt Nam, VinFast chiếm thị phần thứ 6 trong tổng số xe bán ra năm 2023 - xếp trên Mitsubishi, Honda hay Suzuki.

Nửa đầu năm nay, VinFast tiếp tục giao tổng cộng 21.747 ô tô điện, tương đương mức tăng trưởng 92% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam vẫn là thị trường bán xe chủ đạo của hãng này.

Trong khi đó, dù là hãng xe điện lớn trên thị trường với hơn 3 triệu xe bán ra trong năm ngoái, song BYD đang gặp nhiều rào cản khi gia nhập Việt Nam từ tháng 7 năm nay. Rào cản của hãng xe điện Trung Quốc chủ yếu đến từ hạ tầng trạm sạc còn thiếu, và giá bán được đánh giá chưa hấp dẫn so với đối thủ.

Tại sự kiện, ông Lực cho biết ngoài VinFast, đang có một số thương hiệu len lỏi vào thị trường xe năng lượng mới của Việt Nam, chẳng hạn như Audi, Mercedes, Porsche,… Tổng cộng khoảng 10 doanh nghiệp nhưng những thương hiệu này chỉ giới thiệu một vài mẫu xe.

Tổng giám đốc BYD Việt Nam tin rằng nếu mỗi thương hiệu đều đặt ra kỳ vọng có thể chiếm 1-3% thị phần xe năng lượng mới sau 2-3 năm gia nhập thì thời gian ngắn tỷ lệ xe điện tại Việt Nam có thể chiếm tới 30% tổng số xe bán ra.

Niềm tin của ông Lực dựa vào trải nghiệm cá nhân với thị trường tương tự là Thái Lan. Ông kể năm 2022 khi đi công tác Thái La, xe điện vẫn còn lạ lẫm và chỉ chiếm khoảng 1% tổng doanh số bán xe. Tuy nhiên năm ngoái, tỷ lệ này đã tăng lên 12%.

Hay như trên thị trường toàn cầu, giai đoạn 2019 - 2023 chứng kiến doanh số bán xe năng lượng mới tăng như “vũ bão” từ 7 triệu xe lên 40 triệu xe. Trung Quốc hiện chiếm 54% tổng số xe năng lượng mới toàn cầu. Năm 2023, doanh số bán xe năng lượng mới ở Trung Quốc chiếm 35-40% toàn thị trường và tăng lên hơn 50% nửa đầu năm nay. Tương tự ở châu Âu con số này hiện tại là 32%.

Xe điện BYD bán tại Việt Nam. (Ảnh: Đức Huy).

Ông Lực giải thích việc các dòng xe như ô tô điện, hybrid,… tăng nhanh trong thời gian này tại các thị trường đến từ ba yếu tố: Chính sách thu hút đầu tư, lợi ích từ xe điện và chính sách thúc đẩy kích cầu người tiêu dùng.

Chẳng hạn tại Thái Lan, nước này áp dụng ưu đãi cho các nhà sản xuất Trung Quốc lên tới xấp xỉ 105 triệu đồng/xe, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 3 tới 5 năm và giảm thuế nhập khẩu về 0% nếu đặt nhà máy trong nước.

Đồng thời, Thái Lan giảm thuế nhập khẩu CBU xe điện từ 80% còn 60%, 40% tuỳ theo dung tích pin và mức giá. Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện từ 8% xuống 2%. Chính phủ cũng hỗ trợ khách hàng 50 - 107 triệu đồng tuỳ vào gói pin đối với ô tô và 13 triệu đồng với xe máy điện. Thuế đường bộ được giảm 80%.

Nhìn lại Việt Nam, người đứng đầu BYD Việt Nam nói: “Nếu chính sách của chúng ta kích cầu được đầu tư về xe năng lượng mới, thấy được lợi ích xe điện thì tôi tin chắc sẽ tăng nhanh hơn các nước khác và lên 30% trong một thời gian gần thôi”.

Ông Võ Minh Lực nhận định Việt Nam đang có cơ hội lớn trên thị trường ô tô điện. Với dân số 100 triệu dân, tỷ lệ sở hữu ô tô là 55 xe/1.000 người - rất thấp so với các nước trong khu vực, nên có thể thấy nhu cầu mua xe của người Việt là rất lớn.

Mức thuế dù cao nhưng tăng trưởng doanh thu hàng năm vẫn đều đều và nếu xét về tổng doanh thu, thuế ngành ô tô Việt Nam không thue kém một số nước như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia. Ngoài ra, theo ông Lực, doanh số xe máy tại Việt Nam khoảng 3 triệu chiếc/năm và tất cả những ai đi xe gắn máy đều mong muốn chuyển qua ô tô.

Bên cạnh đó, GDP Việt Nam luôn tăng trưởng cao và ổn định trong những năm gần đây - gần như là một trong những quốc gia có tăng trưởng cao nhất khu vực. Điều này dẫn tới thu nhập của người dân thuận lợi hơn cho việc mua xe.

Các chính sách lãi vay hay tỷ lệ vay mua xe theo lãnh đạo BYD tại Việt Nam đang rất cao. “Khoảng 200 triệu đồng là mua được ô tô rồi. Đặc biệt hạ tầng đường cao tốc phát triển nhanh”, ông nói.

Cơ sở này cho thấy thị trường ô tô Việt Nam có thể bùng nổ trong thời gian ngắn nếu có chính sách phù hợp. 

Tuy nhiên, trong quá trình BYD Việt Nam thành lập, nhập khẩu xe (từ tháng 1/2024) và ra mắt xe vào tháng 7/2024, khi tiếp xúc với khách hàng, ông Lực nhận thấy nhiều quan ngại. 

Thách thức đầu tiên đến từ chính sách thu hút đầu tư về nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, lắp ráp xe năng lượng mới của Việt Nam chưa hấp dẫn so với một số nước. 

Vấn đề thứ hai là trạm sạc. “BYD tiếp cận rất nhiều khách, khách xem xong hỏi sạc ở đâu, như thế nào, đi xa được không? Trạm sạc đang là mấu chốt của vấn đề. Hiện nay chúng ta chưa có chính sách để thu hút đầu tư trạm sạc”, ông Lực nói.

Trong khi đó, quy định đầu tư trạm sạc chưa mạch lạc thứ tự các bước. Chẳng hạn, một số đối tác trạm sạc của BYD phản ánh là không biết thực hiện bước đầu tiên như nào, quy định về PCCC ra sao, kết nối lưới điện thế nào,… Việc chọn vị trí mặt bằng để đặt trạm sạc cũng chưa được quy định, đặc biệt là tại các thành phố lớn.

“Rất nhiều nhà đầu tư chỉ cần có đất, có quy định là họ vào làm, không cần biết tiền đáng bao nhiêu”, ông Lực nêu vấn đề.

Những thách thức khác mà BYD gặp phải là một số chung cư còn kỳ thị xe điện, các loại thuế phí liên quan đến nhập khẩu xe năng lượng mới còn cao, chính sách hỗ trợ người tiêu dùng chuyển đối từ xe xăng sang sử dụng xe điện còn ít,…

Đức Huy

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.