|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sẽ xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp PVTM đối với bột ngọt Trung Quốc và Indonesia

12:01 | 12/08/2020
Chia sẻ
Bộ Công Thương bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đối với một số sản phẩm bột ngọt (vụ việc AD09) của các doanh nghiệp đủ điều kiện theo qui định.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết ngày 22/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1933/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm bột ngọt có xuất xứ từ Trung Quốc và Indonesia. (mã vụ việc: AD09).

Sản phẩm bột ngọt bị áp dụng thuế chống bán phá giá thuộc mã HS: 2922.42.20.

Theo Điều 10 Thông tư 37/2019/TT-BCT, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời, biện pháp phòng vệ thương mại chính thức đối với một số hàng hóa nhập khẩu bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thuộc một trong các trường hợp sau:

1. Hàng hóa trong nước không sản xuất được;

2. Hàng hóa có đặc điểm khác biệt với hàng hóa sản xuất trong nước mà hàng hóa sản xuất trong nước đó không thể thay thế được;

3. Hàng hóa là sản phẩm đặc biệt của hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước;

4. Hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không được bán trên thị trường trong nước trong cùng điều kiện thông thường;

5. Hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không đáp ứng đủ lượng sử dụng trong nước;

6. Hàng hóa nhập khẩu nằm trong tổng lượng đề nghị miễn trừ quyiđịnh từ khoản 1 đến khoản 5 Điều này phục vụ mục đích nghiên cứu, phát triển và các mục đích phi thương mại khác.

Do đó, Cục Phòng vệ thương mại đề nghị các doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện được miễn trừ nộp hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá (vụ việc AD09) trước 17h ngày 11/9/2020.

Trước đó, theo Quyết định số 1933/QĐ-BCT mức thuế chống bán phá giá cao nhất trong kết luận điều tra chính thức đối với một số sản phẩm bột ngọt xuất xứ từ Trung Quốc và Indonesia không thay đổi so với kết luận sơ bộ, ở mức 6.385.289 đồng/tấn.

Do thuế tự vệ đối với sản phẩm bột ngọt đã hết hạn từ ngày 25/3/2020, việc áp dụng thuế CBPG ở mức như vậy là phù hợp với diễn biến thị trường, đồng thời giảm thiểu tác động đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất bột ngọt trong nước từ lượng hàng nhập khẩu bán phá giá.

Theo qui định, biện pháp chống bán phá giá sẽ có hiệu lực trong vòng 5 năm kể từ ngày Quyết định 1933/QĐ-BCT có hiệu lực.

Hàng năm, các bên liên quan có thể nộp hồ sơ yêu cầu Bộ Công Thương tiến hành điều tra, rà soát lại về vấn đề phạm vi sản phẩm, mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho nhà xuất khẩu mới hoặc mức thuế hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài.

Như Huỳnh

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.