|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời một số sản phẩm bột ngọt xuất xứ từ Trung Quốc và Indonesia

18:48 | 20/03/2020
Chia sẻ
Quyết định được đưa ra sau khi kết quả điều tra cho thấy lượng hàng hóa nhập khẩu sau khi áp thuế tự vệ có dấu hiệu bán phá giá với lượng khá lớn, điều này sẽ đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất bột ngọt trong nước.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, ngày 18/3, Bộ đã ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) tạm thời đối với một số sản phẩm bột ngọt có xuất xứ từ Trung Quốc và Indonexia. 

Theo đó, các sản phầm bột ngọt nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc và Indonesia sẽ bị áp dụng mức thuế tuyệt đối trong khoảng từ 2.889.245 đồng/tấn đến 6.385.289 đồng/tấn.

Vụ việc này được Bộ Công Thương bắt đầu tiến hành điều tra từ tháng 10/2019 trên cơ sở kết quả thẩm định Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp CBPG của đại diện ngành sản xuất trong nước.

Qua quá trình điều tra sơ bộ theo đúng qui định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Luật Quản lí ngoại thương và các qui định liên quan, Bộ Công Thương đã xem xét và đánh giá kĩ lưỡng các yêu tố thiệt hại của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc và Indonesia cũng như các tác động, ảnh hưởng của sản phẩm bột ngọt đối với ngành sản xuất hạ nguồn và người tiêu dùng.

Kết quả điều tra cho thấy mặc dù biện pháp tự vệ dưới hình thức thuế tuyệt đối ở mức 3.201.039 đồng/tấn nhưng lượng hàng hóa nhập khẩu sau khi áp thuế tự vệ có dấu hiệu bán phá giá với lượng khá lớn. Từ 2,88 triệu đồng/tấn đến hơn 6,3 triệu đồng/tấn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Indonesia, tương ứng với biên độ bán phá giá cao nhất lên tới hơn 28%. 

"Mức độ bán phá giá như vậy cho thấy hàng hóa nhập khẩu đang tiếp tục đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất bột ngọt trong nước", Bộ Công Thương cho biết.

Từ năm 2016 đến nay, ngành sản xuất bột ngọt tại một số nước bắt đầu xảy ra tình trạng dư cung, hàng tồn kho tăng cao dẫn đến nguy cơ sẽ đẩy mạnh việc xuất khẩu sang các quốc gia khác trong đó có Việt Nam. Điều này đã góp phần tiếp tục gây khó khăn và áp lực cho hoạt động của ngành sản xuất trong nước bởi sự gia tăng mạnh hàng hóa bị điều tra nhập khẩu vào Việt Nam trong thời gian qua. 

Thêm vào đó, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Trung Quốc và lớn thứ 4 của Indonesia. Do đó, khi thuế tự vệ hết hiệu lực, hàng hóa từ hai thị trường này sẽ tăng cường xuất khẩu vào thị trường Việt Nam, điều này có khả năng đe dọa gây thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước.

Ngoài ra, sản phẩm bột ngọt từ Trung Quốc và Indonesia cũng đang bị Mỹ và Liên minh Châu Âu áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Điều này có khả năng các nhà xuất khẩu Trung Quốc sẽ tìm kiếm các thị trường thay thế, trong đó có Việt Nam.

Trong thời gian tới, để đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan, thẩm tra xác minh số liệu và tổ chức phiên tham vấn công khai để tất cả các bên có cơ hội bày tỏ ý kiến của mình. Đồng thời đánh giá tác động toàn diện của vụ việc đến các bên liên quan, bao gồm cả người tiêu dùng cuối cùng. Vụ việc dự kiến sẽ kết thúc điều tra vào quí IV/ 2020.


Trúc Minh

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.