Sẽ thông qua TPP vì Quốc hội Mỹ chưa có tiền lệ bác FTA đã ký?
|
Phát biểu tại hội thảo So sánh cam kết mở cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam trong WTO, TPP và EVFTA, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng khả năng TPP sẽ được Quốc hội Mỹ Thông qua khá cao.
Bởi theo ông Ngô Chung Khanh, Quốc hội Mỹ chưa từng có tiền lệ bác bỏ FTA khi Chính phủ đã ký kết. Và như thế, khả năng cao khi trở thành Tổng thống, ông Donald Trump sẽ để hiệp định TPP trôi theo đúng tiến trình.
Tiến xa hơn các FTA khác
Vị Phó vụ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ với TPP, cam kết của Việt Nam "đi xa" hơn những cam kết thời WTO rất nhiều. Việt Nam đã cân bằng được giữa việc "chọn cho và chọn bỏ", với những lĩnh vực không cần đóng cửa, Việt Nam hoàn toàn mở cửa thời đàm phán TPP, trong khi đó vẫn cân bằng được với những lĩnh vực đã chọn cho phép mở cửa từ thời WTO.
Ông Khanh kì vọng vào TPP bởi hiệp định này đã đưa đến những chính sách rất thông thoáng, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ. Ông lấy ví dụ, Việt Nam đã đạt đến cam kết những thứ chưa từng mở cửa như Ngân hàng Nhà nước không quản lý tổ chức phi tài chính dạng cầm đồ, ngân lượng, bảo kim do nước ngoài làm miễn không vi phạm pháp luật Việt Nam. Đây là tiến bộ về tài chính được rất nhiều nước quan tâm trong quá trình đàm phán.
Tuy nhiên, vị Phó Vụ trưởng cũng lưu ý cần hết sức thận trọng khi đánh giá một phân ngành nào đó đã mở cửa, trong hiệp định nào, mỗi hiệp định sẽ rất khác nhau.
Có TPP cũng không sửa luật
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO của VCCI cho rằng, thông qua TPP Việt Nam nên luật hóa các cam kết quốc tế. Bà cho rằng trên thực tế việc mở cửa thị trường ngành dịch vụ như nội địa đang không có giá trị thi hành.
Phản bác lại quan điểm trên, đại diện Bộ Công Thương, Phó Vụ trưởng Khanh cho rằng, nếu sửa luật sẽ mất đi tính độc nhất của TPP. Khi đó, đã vào Luật, tất cả 162 thành viên WTO cũng sẽ được thụ hưởng ưu đãi này. Vì vậy, theo ông, vào TPP hay không Việt Nam cũng sẽ không sửa Luật mà trực tiếp thực thi theo cam kết với 12 nước thành viên.
Đó là lý do Mỹ chấp nhận sửa về lời văn trong hiệp định. Nguyên tắc chung ở luật như Luật đầu tư, thủ tục đầu tư còn mức độ mở cửa thị trường không cần sửa và với EVFTA cũng tương tự.
Đồng ý với quan điểm trên, ông Phạm Mạnh Dũng – Luật sư đại diện Cty LCT, Nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng: "Không nên nói bỏ luật để thích hợp cam kết, vì như thế sẽ phải bỏ một loạt luật". Theo ông Dũng, cần rà soát giữa các cam kết để biết trong tổng thể cam kết Việt Nam đang đứng ở mức độ nào.
Riêng trong lĩnh vực dịch vụ, có nhiều ngành Việt Nam đã thực thi rồi nhưng lại ngộ nhận là chưa theo cam kết. "Trong suốt thời gian gia nhập WTO đến nay Việt Nam là một trong những nước thực thi tốt nhất, đảm bảo tuân thủ. Đó là lý do Việt Nam được mời gia nhập TPP", Phó Vụ trưởng Khanh đánh giá. Theo đó, kể cả không sửa Luật, Việt Nam vẫn có thể đảm bảo thực thi cam kết.