Sẽ làm tuyến đường sắt đô thị dọc theo vành đai 4 Hà Nội
UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở.
Theo quy hoạch này, các tuyến đường sắt quốc gia hiện có gồm tuyến xuyên tâm Yên Viên – Ngọc Hồi và tuyến vành đai Hà Đông – Bắc Hồng sẽ được dỡ bỏ, thay vào đó sẽ là các tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 6.
Đáng chú ý, Hà Nội cho biết sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt vành đai đi dọc theo đường vành đai 4, cắt qua sông Hồng tại cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quyết định nêu rõ việc bố trí đường sắt đi chung hoặc đi riêng với các cầu đường bộ sẽ được xác định trong quá trình lập dự án đầu tư xây dựng trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Với các tuyến đường sắt đô thị, phạm vi lập quy hoạch có 6 cầu đường sắt đô thị kết nối các khu vực bắc với nam sông Hồng, cụ thể: tuyến số 1 đi qua sông Hồng tại vị trí cầu Long Biên mới cách cầu hiện có 75 m về phía thượng lưu; tuyến số 2 đi qua sông Hồng tại vị trí cách cầu Nhật Tân khoảng 1,3 km về phía thượng lưu.
Tuyến số 4 qua sông Hồng tại vị trí các cầu Vĩnh Tuy khoảng 1,2 km về phía hạ lưu; tuyến số 6 qua sông Hồng tại cầu Thăng Long; tuyến số 7 qua sông Hồng tại cầu Thượng Cát và tuyến số 8 qua sông Hồng tại vị trí cách cầu Thanh Trì khoảng 1,4 km về phía hạ lưu.
Đối với các tuyến số 4 và số 8, việc bố trí đường sắt đô thị đi chung hoặc đi riêng với các cầu đường bộ sẽ được xác định trong quá trình lập dự án đầu tư xây dựng.
Vành đai 4 có chiều dài hơn 112 km đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Điểm đầu tuyến tại km3+695 trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai thuộc địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội; điểm cuối trên cao tốc Nội Bài - Hạ Long thuộc địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Về quy mô, đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội được đầu tư 4 làn xe, giai đoạn hoàn thiện là 6 làn xe. Thời gian chuẩn bị và triển khai các dự án trong khoảng thời gian từ 2022-2026.
Dự kiến vào tháng 5 tới đây, dự án sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư.
Hà Nội đề xuất đầu tư dự án thành ba nhóm dự án thành phần theo hình thức đầu tư công, kết hợp phương thức PPP.
Tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng, giảm 1.285 tỷ đồng so với lần trình trước đó. Nguyên nhân do giảm chi phí dự phòng, lãi vay và rút ngắn tiến độ dự án thành phần 3.
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô được UBND TP Hà Nội giao Tập đoàn Vingroup lập hồ sơ đề xuất .