Sẽ kiểm toán việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam
Thủ tướng yêu cầu siết chặt quản lý nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam | |
Thanh tra 75 đơn vị, tổ chức cấp phép nhập khẩu phế liệu |
Ảnh minh họa |
Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững là chủ đề chính của Đại hội Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (ASOSAI 14) sắp diễn ra tại Hà Nội từ ngày 19/9 đến 22/9.
Tại buổi họp báo trước thềm Đại hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, chủ đề kiểm toán việc quản lý nhập khẩu phế liệu từ nước vào Việt Nam cũng đang được ngành này nhắm tới và đưa vào chương trình thực hiện năm tới.
Số liệu mới đây cho biết, có đến hơn 5.700 container phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển, trong đó tập trung nhiều nhất ở các cảng của TP HCM. Tại Tân cảng Sài Gòn, tính đến ngày 26/6, số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng là 4.480 container, trong đó riêng tại Cảng Cát Lái là 3.464 container.
ASOSAI được tổ chức 3 năm một lần, là nơi họp mặt của những người đứng đầu các cơ quan kiểm toán tối cao thành viên, nhằm thảo luận, trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực kiểm toán nhà nước, bầu chọn thành viên Ban Điều hành và Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ kế tiếp. Đại hội ASOSAI 14 là một sự kiện quốc tế cấp cao có quy mô lớn nhất của ASOSAI lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, thu hút 250 đại biểu đến từ 46 cơ quan kiểm toán tối cao các quốc gia châu Á với cấp trưởng đoàn tương đương từ bộ trưởng. |
Ngoài kiểm toán việc quản lý nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam, một loạt các cuộc kiểm toán liên quan tới môi trường đang được phía Kiểm toán Nhà nước nhắm tới.
Bên cạnh đó là các nội dung khác như kiểm toán về quản lý sử dụng kinh phí đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải ở Hà Nội giai đoạn 2014-2018, Kiểm toán việc cấp phép quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2013-2018 của Nghệ An; Kiểm toán quản lý xử lý chất thải đô thị ở Hà Nội...
Chia sẻ về chủ đề Đại hội, ông Phớc cho rằng, quá trình phát triển bền vững bị thách thức lớn bởi yếu tố môi trường, đặc biệt khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các dự án đầu tư. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh quan điểm Việt Nam là không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Ông bày tỏ lo ngại nếu không có biện pháp ngăn chặn thì những công nghệ lạc hậu, phế thải có nguy cơ bị nhập khẩu vào trong nước và ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững.
Tổng kiếm toán cho biết, những năm gần đây, công tác kiểm toán môi trường đã được đẩy mạnh nhưng còn nhiều hạn chế. Ngoài kiểm toán hoạt động của các bộ, ngành liên quan, cơ quan này cũng tiến hành những đợt kiểm toán vấn đề môi trường tại các dự án riêng lẻ. Tuy nhiên, ông Phớc thừa nhận, kiểm toán môi trường còn khá mới ở Việt Nam nên chưa có quy trình chuẩn, chưa có quy định chung về nguyên tắc. Đây là vấn đề đang được phía kiểm toán xây dựng và xin ý kiến các bộ, ngành liên quan.