|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sẽ có thêm doanh nghiệp được tham gia dịch vụ chuyển mạch

16:01 | 17/02/2020
Chia sẻ
Tới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ cấp phép thêm cho một số doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chuyển mạch, bù trừ điện tử, nhằm tăng hiệu quả xử lý, giảm phí giao dịch thanh toán, chuyển tiền cho người dân và doanh nghiệp.
Sẽ có thêm doanh nghiệp được tham gia dịch vụ chuyển mạch - Ảnh 1.

Hệ thống máy ATM hiện được lắp đặt chủ yếu ở khu vực thành phố, thiếu vắng ở nông thôn. Ảnh: Đức Thanh

Cho phép thêm tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính

Trong Quyết định 149/QĐ-TTg về Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 vừa được Thủ tướng ban hành, điểm đáng chú ý là sẽ cho phép thêm các tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện được cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử nhằm tăng tính cạnh tranh, đảm bảo an ninh, an toàn, tăng hiệu quả xử lý, giảm phí giao dịch thanh toán, chuyển tiền cho người dân, doanh nghiệp.

Việc có thêm tân binh tham gia thị trường sẽ tạo nên một sân chơi cạnh tranh, khiến mặt bằng phí rẻ hơn, tiện ích đa dạng hơn, từ đó, thúc đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa không dùng tiền mặt. Thực tế cho thấy, thị trường mỗi khi có sự cạnh tranh, người tiêu dùng đều hưởng lợi.

Còn nhớ cách đây khoảng 15 năm, thẻ ATM của ngân hàng nào chỉ được sử dụng ở ATM của ngân hàng đó, gây bất tiện và tốn kém cho người dùng. Đến năm 2004, liên minh thẻ đầu tiên BanknetVN ra đời với 8 thành viên sáng lập. Ba năm sau, một liên minh thẻ khác - Smartlink - ra đời. Cả hai liên minh thẻ này đều làm nhiệm vụ chuyển mạch kết nối dùng chung, kết nối các ngân hàng thành viên.

Đến năm 2014, hai liên minh thẻ này sáp nhập, hệ thống chuyển mạch thẻ của cả quốc gia được thống nhất và sau đó đổi tên thành Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS). Từ đây, NAPAS trở thành doanh nghiệp độc quyền cung cấp dịch vụ chuyển mạch tài chính trên thị trường cho các ngân hàng.

Sau khi ra đời, NAPAS đã thúc đẩy hệ thống thanh toán quốc gia tăng mạnh. Trong giai đoạn 2015 - 2019, tổng số lượng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS tăng gấp 21,5 lần. Hệ thống NAPAS đang xử lý 2,3 triệu giao dịch/ngày, tăng gấp gần 5 lần so với năm 2015. Cơ cấu giao dịch cũng có sự dịch chuyển từ chuyển mạch ATM sang chuyển mạch thanh toán liên ngân hàng, chứng tỏ người dân đang có xu hướng dịch chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt.

Mặc dù vậy, theo phân tích của lãnh đạo Viettel, hệ thống thanh toán điện tử của Việt Nam hiện mới đáp ứng được một phần nhu cầu thanh toán bán lẻ của người dân khu vực thành thị, còn với khu vực nông thôn thì hầu như chưa có gì.

VNPT và Viettel đều hoàn toàn đủ lực xây dựng hệ thống bù trừ tài chính, chuyển mạch điện tử phục vụ thị trường trong nước, với lợi thế hạ tầng viễn thông, công nghệ sẵn có.

Xét trên toàn thị trường, dù thanh toán trực tuyến tăng nhanh, song tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo. Ông Lê Thanh Tâm, Tổng giám đốc IDG Việt Nam và ASEAN cho biết, tỷ lệ thanh toán tiền mặt ở Việt Nam lên tới gần 80%, tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt chỉ hơn 20%. Trong thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán thẻ vẫn chiếm tỷ lệ chủ yếu, hình thức thanh toán qua QR Code, ví điện tử còn thấp trong khi đây đang là xu hướng mới.

Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu, hiện hạ tầng thanh toán nước ta phân bố chưa đồng bộ, hệ thống máy ATM, POS được lắp đặt chủ yếu ở khu vực thành phố, tập trung ở các siêu thị, thiếu vắng ở nông thôn. Hệ thống chuyển mạch chỉ mới kết nối được mạng lưới ATM, POS…, chưa liên thông được các phương tiện thanh toán mới. Các loại phí chuyển mạch còn cao, kết nối dịch vụ công còn yếu, doanh thu NAPAS thu về từ dịch vụ rút tiền từ thẻ ATM còn lớn…

Cơ hội giảm phí, tăng tiện ích

Một doanh nghiệp cho rằng, trên thực tế, không có vùng cấm cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia dịch vụ chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử. Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt và thông tư hướng dẫn quy định, doanh nghiệp đủ điều kiện (có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, đáp ứng điều kiện về nhân sự, hạ tầng công nghệ…) có thể nộp đơn đề nghị NHNN cấp phép hoạt động dịch vụ này.

NHNN đang trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 101. Theo đó, để được tham gia lĩnh vực chuyển mạch, bù trừ điện tử, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng, phải được một tổ chức thực hiện quyết toán kết quả bù trừ giữa các bên liên quan…

Được biết, VNPT, Viettel và một doanh nghiệp khác đang kiến nghị được NHNN tham gia lĩnh vực này.

Trên thế giới, mô hình chuyển mạch cũng rất khác nhau: có nước chỉ có một doanh nghiệp chuyển mạch quốc gia, song cũng có nước có trên 10 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chuyển mạch.

Không nên lập quá nhiều doanh nghiệp chuyển mạch

Cấp thêm giấy phép cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyển mạch, bù trừ điện tử nằm trong cam kết mở cửa của Việt Nam. Tuy nhiên, việc cấp thêm giấy phép cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyển mạch (dù trong hay ngoài nước) đều phải trên cơ sở đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thanh toán và không nên lập quá nhiều doanh nghiệp chuyển mạch để tránh lãnh phí.

-TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng

Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp công nghệ cho biết, có một hệ thống chuyển mạch đủ tốt, có thể đáp ứng mọi nhu cầu của thị trường, kết nối được đa kênh là tốt nhất, song thực tế, Việt Nam chưa có hệ thống chuyển mạch đủ tốt. “Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đưa tài chính toàn diện phủ sóng đến tận vùng sâu, vùng xa, phải thông qua mạng lưới hệ thống ngân hàng đại lý, fintech, mobile money, ví điện tử, các kênh thanh toán hiện đại khác, chứ không chỉ ngân hàng. Với các kênh thanh toán mới này, các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ sẽ có lợi thế chuyển mạch hơn NAPAS”, vị này cho biết.

Cách mạng 4.0 khiến các loại hình thanh toán mới xuất hiện ngày càng nhiều hơn, thói quen người tiêu dùng vì thế thay đổi nhanh chóng, song cũng đòi hỏi cao hơn, đặc biệt về tốc độ giao dịch và phí. Nếu doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chuyển mạch vẫn chậm đổi mới, thanh toán không dùng tiền mặt khó có sự đột phá.

Một chuyên gia tài chính cho rằng, NHNN nên sớm cấp phép cho các doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp viễn thông tham gia thị trường chuyển mạch, bù trừ điện tử để thúc đẩy các loại hình thanh toán mới, đẩy nhanh tài chính toàn diện, giảm phí cho người dùng. Còn NAPAS, bên cạnh tiếp tục thế mạnh hiện tại, cần tập trung kết nối thông suốt dịch vụ công cấp độ 4 (thanh toán) và kết nối quốc tế.

“Theo tôi, nếu chỉ dựa vào hệ thống chuyển mạch và hệ thống ngân hàng truyền thống thì rất khó để giảm phí, tăng tốc độ xử lý giao dịch, đẩy nhanh phổ cập tài chính toàn diện đến tận vùng sâu, vùng xa. Nếu lo ngại về tính an ninh, an toàn, cơ quan quản lý nên cho các doanh nghiệp chuyển mạch mới hoạt động trong môi trường sandbox để kiểm soát”, chuyên gia này nói.

Thùy Liên