|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sẽ có logo nhận diện thực phẩm an toàn?

10:31 | 11/10/2016
Chia sẻ
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ về vấn đề xây dựng logo nhận diện thực phẩm an toàn để người dân nhận biết.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, mặc dù chưa có thống kê cụ thể về tỷ lệ giữa thực phẩm an toàn và thực phẩm không an toàn nhưng trong bối cảnh thị trường thực phẩm hiện nay, người tiêu dùng gặp rất nhiều khó khăn khi lựa chọn thực phẩm sạch cho gia đình.

Hiện nay, thực phẩm tiêu thụ chủ yếu qua kênh truyền thống (chợ, chợ cóc…) chiếm gần 85%, khó kiểm soát được chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm, còn tiêu thụ sản phẩm qua các kênh hiện đại như siêu thị, đại siêu thị mới chỉ chiếm 15%.

se co logo nhan dien thuc pham an toan
Người dân vẫn có thói quen mua sắm tại chợ truyền thống. (Nguồn: Phan Thu)

Tại các chợ truyền thống, chợ cóc, chợ dân sinh do chi phí thấp nên mặc dù chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có thể chưa đảm bảo nhưng lại cạnh tranh về giá đối với cửa hàng thực phẩm bảo đảm. Vì thế, người dân vẫn có thói quen mua sắm tại chợ truyền thống mà chưa quen sử dụng thịt để mát, thịt cấp đông.

Trong khi đó, sự liên kết giữa các nhà sản xuất- phân phối bán lẻ còn lỏng lẻo và chưa hiệu quả. Đơn cử, hàng hóa còn hạn chế về thương hiệu; sản lượng hàng chưa đảm bảo cung ứng thường xuyên, liên tục cho các kênh phân phối; hàng hóa chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo an toàn do hạn chế về công nghệ…

Cũng thừa nhận thực tế này, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, việc liên kết giữa các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp khi đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị còn nhiều khó khăn. Hiện nay trên trị trường nhiều sản phẩm khó phân biệt được thật giả, thậm chí còn giả cả giấy chứng nhận VietGAP.

Nhằm khắc phục tình trạng này, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thông tin, Bộ Công Thương sẽ xin ý kiến Chính phủ xây dựng nhãn logo riêng cho các điểm bán đảm bảo an toàn nhằm giúp người tiêu dùng nhận diện chính xác các điểm bán, bên cạnh đó sẽ thúc đẩy phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích.

Bởi theo bà Nga, cửa hàng tiện ích là kênh bán hàng hiện đại, có xuất xứ hàng hoá rõ ràng, có hệ thống quản trị tốt và là cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ nông dân có thể đưa hàng hóa vào kênh này.

Theo Phan Thu