Sẽ có đỉnh mới về vốn FDI trong năm nay?
Tuy nhiên, một số dự báo của các nhà đầu tư, chuyên gia đầu tư mới đưa ra vào đầu tuần qua cho thấy FDI đăng ký vào Việt Nam năm nay có thể đạt 24 tỉ USD. Mức tăng đột biến và cao hơn năm ngoái 1 tỉ USD.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, khả năng FDI tăng tốc vào tháng cuối năm, chính xác hơn là vài ngày cuối năm là có cơ sở bởi có một số dự án đầu tư năng lượng theo hình thức BOT với số vốn đăng ký đầu tư lớn đàm phán lâu nay nhưng chưa được cấp phép.
“Quốc hội vừa tuyên bố bỏ năng lượng hạt nhân, một số dự án nhiệt điện như Nghi Sơn 2, Vũng Áng 2, Vân Phong 1… với tổng đầu tư lên đến 6-7 tỉ USD đang “trong tầm” dự báo của các chuyên gia về con số FDI. Mới đây nhất, trong tháng 11, Bộ Công thương cũng đã ký kết thỏa thuận đầu tư dự án nhiệt điện Nghi Sơn 2 với tổng đầu tư ước trên 2 tỉ USD với hai nhà đầu tư đến từ Nhật và Hàn được coi là dấu hiệu tốt cho việc tăng tốc FDI tháng cuối năm”, TS Hiếu dự báo.
Trong buổi trao đổi với đại diện của Viện nghiên cứu xã hội và kinh tế Nhật tại báo Thanh Niên mới đây, thành viên cấp cao của Viện nghiên cứu xã hội và kinh tế Nhật cũng cho hay các nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm và lấy làm “sốt ruột” vì tiến độ các dự án đầu tư điện tại Việt Nam còn chậm.
Theo chuyên gia kinh tế, mặc dù Việt Nam không chủ trương cấm đầu tư làm nhiệt điện, song trước một số dự án FDI ảnh hưởng đến môi trường trầm trọng trong thời gian qua, đã khiến “bấm nút” thông qua một dự án nhiệt điện phải hết sức cẩn trọng. “Đó là chưa nói, nhiệt điện thế giới đang từ chối, Việt Nam lại đón tiếp, nên việc thẩm tra dự án, nhất là vấn đề môi trường phải hết sức cẩn trọng khiến tiến độ cấp phép chậm là điều dễ hiểu”, chuyên gia năng lượng Phan Văn Hiện bổ sung.