|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

SCIC muốn tham gia tăng vốn cho BIDV và VietinBank

07:51 | 15/06/2019
Chia sẻ
Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết đang làm việc với các ngân hàng quốc doanh về khả năng SCIC tham gia mua cổ phần các nhà băng này.

"SCIC đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và hai ngân hàng quốc doanh là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) về phương án đầu tư. Hiện đề xuất của SCIC đã được các nhà băng này xây dựng và trình cho các cấp cao hơn phê duyệt", ông Thành cho biết.

Theo Tổng giám đốc SCIC, phương án được tổng công ty đưa ra là mua cổ phần hai nhà băng này bằng mệnh giá, giúp những ngân hàng này giải quyết "bài toán" thiếu vốn. "SCIC nhận thấy đây là cơ hội đầu tư phù hợp. Trước mắt, phương án này sẽ đợi sự chấp thuận từ cơ quan quản lý. Trong trường hợp không được phê duyệt đề nghị mua cổ phần bằng mệnh giá, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán về phương án đầu tư khác", Tổng giám đốc SCIC nói.

Đánh giá về hiệu quả đầu tư vào ngành ngân hàng, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên cho biết SCIC từng đầu tư vào Ngân hàng Quân Đội (MB) và lịch sử cho thấy đây là khoản đầu tư mang lại hiệu suất tốt. Nếu được chấp thuận và tỷ lệ tham gia của SCIC dưới 5% thì việc đầu tư vào hai nhà băng quốc doanh sẽ là khoản đầu tư tài chính, còn nếu đủ điều kiện trở thành cổ đông lớn sẽ là cơ hội giúp SCIC gia tăng nền tảng quản trị cho các ngân hàng.

Đề nghị mới từ SCIC đưa ra trong bối cảnh khối ngân hàng quốc doanh và hệ thống ngân hàng đang "chật vật" tìm cách tăng vốn.

Báo cáo cuối năm 2018 của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đánh giá hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể phải đối mặt với mức thiếu hụt vốn trầm trọng, khoảng 20 tỷ USD (tương đương 9% GDP) để đáp ứng việc triển khai tiêu chuẩn Basel II, dự kiến sẽ áp dụng từ 1/1/2020. Trong đó, yêu cầu này với nhóm ngân hàng quốc doanh được đánh giá là "cấp bách hơn bao giờ hết".

Vietcombank là trường hợp hiếm hoi mới đây đã phát hành thành công cho cổ đông ngoại, tuy nhiên ngân hàng này mới thực hiện chưa tới 1/3 lộ trình đã đặt ra. Hai trường hợp còn lại là VietinBank và BIDV vẫn chưa thể tăng vốn dù nhiều năm liền đề xuất các phương án.

BIDV mặc dù đã tìm được cổ đông chiến lược những vẫn chưa thể phát hành do vẫn còn vướng mắc ở giá. Trong khi đó, VietinBank được đánh giá là trường hợp khó khăn nhất do đã dùng gần hết dư địa tăng vốn. Sở hữu Nhà nước tại VietinBank đã xuống dưới mức tối thiếu (65%), trong khi sở hữu của cổ đông ngoại đã ở mức tối đa.

Từ năm 2016, cả BIDV và VietinBank đều mong muốn tăng vốn điều lệ thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy nhiên đề nghị này đã nhiều lần bị Bộ Tài chính khước từ với lý do ngân sách eo hẹp. Hiện phương án chia cổ tức hai năm 2017 và 2018 của VietinBank vẫn chưa được chốt do chờ chỉ đạo từ Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính.

Trả lời tại họp báo thường kỳ đầu tháng 5, ông Đào Minh Tú – Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng xác nhận, 4 ngân hàng quốc doanh đang gặp khó khăn trong tăng vốn điều lệ. Mấu chốt, theo ông Tú, là hiện hệ số an toàn vốn (CAR) của nhóm ngân hàng này đã xấp xỉ ngưỡng 9% - mức tối thiểu đảm bảo an toàn vốn.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Bộ Kế hoạch – Đầu tư tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho nhóm ngân hàng này. Cơ quan quản lý cho biết cần có biện pháp xử lý vấn đề này phù hợp hơn, trong đó cân nhắc việc giữ lại lợi nhuận hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng năng lực tài chính cho các ngân hàng.


Minh Sơn