|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

SBT - Top 10 Doanh nghiệp Phát triển Kinh tế xanh bền vững

10:17 | 26/07/2022
Chia sẻ
CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Biên Hòa, Mã: SBT) đạt thành tích xuất sắc trong thúc đẩy nền kinh tế xanh, đạt Top 10 “Doanh nghiệp Phát triển Kinh tế xanh bền vững”.

SBT nhận biểu dương năm thứ 2 liên tiếp là Top 10 “Doanh nghiệp Phát triển Kinh tế xanh bền vững” năm 2022.  (Ảnh: TTC Sugar). 

Ngày 23/7/2022 vừa qua, Hiệp hội Thông tin, Tư vấn Kinh tế Thương mại Việt Nam phối hợp cùng các cơ quan chức năng đã tổ chức Chương trình “Truyền thông Xây dựng và Phát triển Nền kinh tế xanh Quốc gia” lần thứ 8. Là chương trình thường niên được bảo hộ bởi Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, biểu dương các tổ chức áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, ưu tiên “công nghiệp hóa sạch”, xây dựng nền “công nghiệp xanh”, lần thứ 2 liên tiếp SBT được vinh danh trong Top 10 “Doanh nghiệp Phát triển Kinh tế xanh bền vững” 2022.

Giải thưởng đã ghi nhận những đóng góp tích cực của SBT trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển nền kinh tế xanh, bền vững.

Tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế tất yếu trong tăng trưởng kinh tế thúc đẩy các quốc gia đạt được thịnh vượng toàn diện. Việc liên tục có mặt trong danh sách Doanh nghiệp Phát triển Kinh tế xanh bền vững cho thấy nỗ lực nghiêm túc của SBT trong chiến lược phát triển toàn diện chuỗi giá trị bền vững, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam theo chiều sâu, đề cao chất lượng và hiệu quả.

Phát triển nền kinh tế bền vững trên những giá trị xanh

Là một trong những doanh nghiệp nông nghiệp đầu ngành tại Việt Nam với hơn 50 năm bền bỉ với “cây Mía”, SBT sở hữu mía từ hơn 66 nghìn ha đất nông nghiệp ở Việt Nam, Lào và Campuchia, cung cấp hơn 1 triệu tấn Đường thành phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế mỗi năm.

Vùng nguyên liệu organic của SBT tại Lào. (Ảnh: TTC Sugar). 

Nhận thức sâu sắc vai trò của mình trong sự nghiệp bảo vệ môi trường chung, SBT đã và đang áp dụng hiệu quả các chính sách của Chính phủ hướng tới chuyển đổi sang giải pháp mô hình kinh tế tuần hoàn - tái tạo tài nguyên nhằm giảm thiểu tối đa phát thải môi trường, hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững. Hưởng ứng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 với cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại hội nghị Liên hợp quốc COP26, SBT luôn kiên định trên hành trình phát triển bền vững khi xây dựng chiến lược kinh doanh “xanh” làm nền tảng, tạo vị thế cạnh tranh làm tiền đề cho tham vọng mở rộng thị trường quốc tế.

Cụ thể, Công ty đề cao nhu cầu của Người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm - đảm bảo an toàn sức khỏe và đáp ứng yêu cầu sản xuất với tác động tối thiểu lên môi trường. Bên cạnh đó, SBT tập trung phát triển và hoàn thiện Chuỗi giá trị cây Mía, chuyển đổi sang mô hình canh tác hữu cơ, tối ưu hóa giá trị cây Mía khi tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu từ các phế phụ phẩm trong quá trình sản xuất, chủ động nghiên cứu và áp dụng giải pháp ong mắt đỏ phòng trừ sâu bệnh từ thiên địch, không gây tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản,... tất cả vì mục tiêu thúc đẩy nền nông nghiệp hiện đại song song bảo vệ môi trường xung quanh, đáp ứng các tiêu chí ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị).

Việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm mà còn giúp thương hiệu SBT nâng cao khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư và đảm bảo phát triển bền vững.

SBT sản xuất điện thương phẩm từ tuabin lò hơi sau quá trình đốt bã Mía - là nguồn năng lượng tái tạo từ nhiên liệu sinh khối, góp phần hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch và bảo vệ môi trường. (Ảnh: TTC Sugar).

Với mục tiêu trở thành Công ty nông nghiệp công nghệ cao, cung cấp giải pháp sản phẩm Nông nghiệp có nguồn gốc và bền vững hàng đầu khu vực, cũng như luôn đứng vững trước các “biến động” và góp phần xây dựng một hệ thống thực phẩm bền vững, SBT đã không ngừng áp dụng khoa học kỹ thuật và các hoạt động hiện đại hóa mạnh mẽ nhằm đẩy mạnh khung quản trị ESG.

Hoạt động quản trị sẽ bao gồm các chủ đề về bền vững chuyên biệt, các chỉ số tài chính sẽ phấn đấu đến những chỉ số tài chính “xanh” và thiết lập một hệ thống triển khai đồng bộ và nhất quán, nhằm tăng tính minh bạch và cung cấp thông tin rõ ràng hơn nữa cho các Bên liên quan, hướng tới phát triển nền kinh tế xanh, bền vững.

Bích Thu