Saudi Aramco ký hợp đồng thuê và cho thuê lại mạng lưới đường ống dẫn khí đốt
Thỏa thuận được ký vào hôm 6/12 vừa qua, cho thấy rõ cách Saudi Aramco - vốn được coi là "chú gà đẻ trứng vàng" của Saudi Arabia - đang tìm cách kiếm tiền từ tài sản cố định để tạo ra nguồn thu cho Chính phủ, trong nỗ lực đẩy nhanh nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ.
Vào tháng 6/2021, Saudi Aramco đã bán 49% cổ phần trong hoạt động kinh doanh đường ống của mình cho một liên danh do công ty EIG Global Energy Partners, có trụ sở tại Mỹ dẫn đầu, với giá 12,4 tỷ USD.
Theo thỏa thuận trên, một công ty con mới được thành lập là Công ty Đường ống dẫn khí Aramco, sẽ thuê quyền sử dụng trong mạng lưới đường ống dẫn khí của Saudi Aramco và cho Saudi Aramco thuê lại trong thời hạn 20 năm.
Đổi lại, Công ty Đường ống dẫn khí Aramco sẽ nhận được các khoản chi trả của Saudi Aramco cho các sản phẩm khí đốt đi qua mạng lưới ống dẫn đó.
Saudi Aramco sẽ nắm giữ 51% cổ phần trong Công ty Đường ống dẫn khí Aramco và bán 49% cổ phần cho các nhà đầu tư dẫn đầu là BlackRock và Hassana, một công ty quản lý đầu tư được nhà nước hậu thuẫn.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Saudi Aramco, Amin Nasser cho biết: "Với dự báo khí đốt sẽ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi toàn cầu sang một tương lai năng lượng bền vững hơn, các đối tác của chúng tôi sẽ được hưởng lợi từ một thỏa thuận liên quan tới tài sản cơ sở hạ tầng khí đốt đẳng cấp thế giới".
Saudi Aramco và Saudi Arabia đang thực hiện các bước đi có ý nghĩa, hướng tới tương lai để chuyển đổi nền kinh tế Saudi Arabia sang năng lượng tái tạo, hydro sạch và một tương lai phát thải bằng 0.
Saudi Aramco, nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, đã cam kết đưa mức phát thải ròng carbon về 0% trong các hoạt động của tập đoàn này vào năm 2050. Trong khi đó, Saudi Arabia, một trong những quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất thế giới và cũng là nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, cũng đã cam kết đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2060.
Từ lâu đã được coi là "viên ngọc quý" của Saudi Arabia, Saudi Aramco và tài sản của tập đoàn này từng nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ và được coi là không giới hạn đối với đầu tư bên ngoài.
Nhưng với sự nắm quyền của Thái tử Mohammed bin Salman, người đang thúc đẩy thực hiện chương trình cải cách "Tầm nhìn 2030", vương quốc này đã cho thấy sự sẵn sàng để nhượng lại một số quyền kiểm soát trong Saudi Aramco.
Tập đoàn này đã bán một phần nhỏ cổ phiếu của mình trên thị trường chứng khoán Saudi Arabia vào tháng 12/2019, thu về 29,4 tỷ USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất thế giới.