|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sầu riêng Thái tại Trung Quốc mất thị phần vào tay Việt Nam

20:14 | 21/01/2024
Chia sẻ
Năm ngoái, lượng nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc tăng vọt, nhưng với việc thị trường nhập khẩu sầu riêng số một thế giới rộng phạm vi lựa chọn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, thì Thái Lan lại đang chịu thiệt hại. Việt Nam và Philippines đã tận dụng cơ hội này, theo South China Morning Post.

Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong cả năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,4 triệu tấn sầu riêng, tăng 69% so với năm trước.

Thị phần của Thái Lan trong lượng nhập khẩu này, tính theo USD, đã giảm từ mức gần 100% vào năm 2021 xuống còn 95,36% một năm sau đó. Tính đến tháng 12/2023, Thái Lan chỉ còn nắm 67,98% thị phần nhập khẩu sầu riêng vào Trung Quốc.

Việt Nam đã chiếm lấy thị phần của Thái Lan sau khi Trung Quốc bắt đầu cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam vận chuyển sầu riêng tươi từ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc tăng từ mức gần bằng 0 lên 4,63% với giá trị 188,1 triệu USD vào năm 2022. Con số này đã vọt lên 31,82% trong 11 tháng đầu năm ngoái với tổng giá trị 2,1 tỷ USD.

Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc cho biết, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng toàn cầu của Việt Nam đạt 4,9% về khối lượng vào năm 2022 với 40,88 triệu kg. Trong khi năm 2021, con số này chỉ ở mức gần bằng 1%.

Việt Nam đang đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu sầu riêng là 3,5 tỷ USD trong năm nay, tăng 55% so với năm ngoái. Và Trung Quốc chính là thị trường xuất khẩu hàng đầu.

Sầu riêng đã trở thành một "món quà quý" đối với tầng lớp trung lưu Trung Quốc. Mặc dù bị một số người chê bai vì nặng mùi, loại trái cây có gai này lại có giá cao và thu hút được một lượng lớn người tiêu dùng Trung Quốc. Họ còn gọi sầu riêng là "vua của các loại trái cây".

Sầu riêng Thái Lan mất vị thế độc quyền ở Trung Quốc khi các quốc gia như Việt Nam, Philippines tận dụng cơ hội. (Ảnh: Xinhua).

TS Nguyễn Thành Trung từ Đại học Fulbright Việt Nam cho biết. “Nông dân Việt Nam biết cách luân canh cây trồng và kéo dài thời gian thu hoạch. Sầu riêng được coi là cây trồng mang lại lợi nhuận cao ở Việt Nam và có thể mang lại nhiều lợi ích. Nông dân biết cách tối đa hóa cơ hội của mình".

Philippines cũng có được một phần nhỏ thị phần ở Trung Quốc. Cách đây một năm, Trung Quốc đồng ý bắt đầu nhập khẩu sầu riêng từ Philippines - loại sầu riêng mọc chủ yếu trên đất núi lửa của núi Apo ở đảo Mindanao.

Theo Thông tấn xã Philippines, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng từ Philippines sang Trung Quốc đạt 1,88 triệu USD từ tháng 1 đến tháng 6/2023. Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, Philippines chiếm 0,2% thị phần nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm ngoái, tính theo giá trị USD.

Jonathan Ravelas, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn eManagement for Business and Marketing Services có trụ sở tại Manila, cho biết, nông dân Philippines trồng sầu riêng vẫn ưu tiên thị trường nội địa và chỉ xuất khẩu phần dư thừa.

Năm ngoái, Trung Quốc cũng tuyên bố đã thành công trồng được đợt sầu riêng đầu tiên trong nước trên đảo Hải Nam.

“Sầu riêng trong nước dự kiến ​​sản xuất 250 tấn trong năm nay, và đến năm sau có thể có mặt trên thị trường với số lượng lớn, dự kiến sản lượng có thể đạt 500 tấn,” Feng Xuejie, Giám đốc Viện Cây ăn quả nhiệt đới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Hải Nam, cho biết.

Năm ngoái, Hải Nam đạt tổng sản lượng 50 tấn, nhưng Feng cho biết con số này vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc.

Chi phí vận chuyển từ Philippines sang Trung Quốc thường cao hơn các nhà xuất khẩu Đông Nam Á khác do khoảng cách và rào cản về cơ sở hạ tầng. Nhưng, ông Ravelas nhận định điều này có thể thay đổi.

“Philippines hiện là nguồn cung thay thế tiềm năng đầu tiên. Chính phủ có thể sẽ cải thiện cơ sở hạ tầng nông trại, như kho lạnh", ông nói.

Các nhà xuất khẩu sầu riêng ở Malaysia đang thúc đẩy một thỏa thuận trong năm nay để kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, theo Simon Chin, nhà sáng lập của công ty xuất khẩu DKing Malaysia, nhận định. Hiện tại, Malaysia chỉ được phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh.

“Hiện tại, chúng tôi đang nói chuyện với phía Trung Quốc để tìm kiếm phương án xuất khẩu trái cây tươi, giống như người Thái đã làm,” Chin nói.

Về mặt thu nhập, tổng giá trị lô hàng sầu riêng của Thái Lan xuất sang Trung Quốc vẫn tăng trong năm ngoái nhờ thị trường tiêu thụ ở các thành phố tầm trung của Trung Quốc bắt đầu chín muồi.

Sam Sin, Giám đốc phát triển tại S&F Produce Group ở Hong Kong, đơn vị chuyên vận chuyển durian từ Thái Lan, cho biết: “Cung không bao giờ đủ cho Trung Quốc. Hiện tại, [thị trường] khá phát triển ở các thành phố hạng nhất và hạng hai, nhưng chưa có ở các thành phố hạng ba hay thậm chí là hạng 4; hạng 5".


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thành Vũ

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.