|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sầu riêng, măng cụt Thái Lan đổ vào Việt Nam

07:26 | 21/05/2020
Chia sẻ
Dù giá cao hơn sản phẩm cùng loại trong nước, các loại hoa quả có xuất xứ từ Thái Lan đang được rao bán nhộn nhịp trên thị trường.

Chỉ tay về phía 2 khay măng cụt trên kệ, chị Nguyễn Hoà, bán hoa quả tại chợ Chính Kinh (Thanh Xuân, Hà Nội) so sánh: “Mỗi ngày tôi nhập khoảng 1 tạ măng cụt Thái và 1 tạ măng cụt Việt, nhưng lúc nào hàng Thái cũng bán hết sớm hơn”.

Theo chị Hoà, hiện măng cụt Thái ở cửa hàng chị có giá 65.000 đồng/kg, còn hàng Việt giá 55.000 đồng/kg.

Tràn ngập hoa quả Thái

Theo khảo sát của Zing ở các chợ truyền thống tại Hà Nội như Nghĩa Tân (Cầu Giấy), Láng Hạ (Đống Đa), Nhân Chính (Thanh Xuân)…, các loại trái cây có xuất xứ từ Thái Lan rất dồi dào và được người tiêu dùng lựa chọn.

Nếu trước đây chỉ có một số mặt hàng rau quả đặc trưng nhập khẩu từ Thái Lan như me, nhãn, xoài thì nay sầu riêng mini, măng cụt, mây Thái và cả dứa mini... đều được rao bán nhộn nhịp trên thị trường.

Sầu riêng, măng cụt Thái Lan đổ vào Việt Nam - Ảnh 1.

Các loại hoa quả có nguồn gốc từ Thái Lan như bòn bon, sầu riêng mini, măng cụt, dứa mini... đang được rao bán nhộn nhịp trên thị trường. Ảnh: Thanh Thương.

Các tiểu thương bán hoa quả tại chợ Nhân Chính cho biết, sức mua sản phẩm Thái Lan cao hơn hẳn các loại trái cây nhập khẩu khác. Vì thế mà trái cây Việt Nam, lượng hàng bán ra giảm khoảng 20-30%.

Giá các sản phẩm này cũng cao hơn nhiều so với hàng Việt. Cụ thể, măng cụt Thái có giá 65.000-70.000 đồng/kg, cao hơn hàng Việt 10.000-15.000 đồng/kg. Bòn bon Thái loại một có giá tới 100.000 đồng/kg, cao gấp gần 2 lần so với hàng trong nước. Xoài, chôm chôm, nhãn Thái Lan có giá dao động 30.000-60.000 đồng/kg tùy điểm bán và chất lượng.

Riêng sầu riêng Thái mini có giá 150.000-180.000 đồng/kg, trong khi sầu riêng Ri6 tại Việt Nam chỉ dao động khoảng 70.000-80.000 đồng/kg.

"Giá cao hơn hẳn sầu riêng trong nước nhưng khách rất chuộng loại sầu riêng Thái mini này, nhiều người dặn trước mà nhiều hôm tôi không có để bán”, chủ một cửa hàng hoa quả trên đường Nhân Hoà nói.

Trên các trang mạng xã hội, trái cây xuất xứ từ Thái Lan cũng được rao bán nhộn nhịp. Với các mức giá dao động 35.000-200.000 đồng/kg, có thể thấy lượng đặt hàng rất nhiều sau mỗi bài đăng bán.

Tài khoản tên Nguyễn Hồng Nhung chia sẻ chỉ sau vài giờ đăng bài quảng cáo trên trang cá nhân và một số group buôn bán tại Hà Nội, chị đã chốt được khoảng 60 đơn hàng trái cây Thái Lan các loại.

Cẩn thận hàng kém chất lượng

Hiện, hàng rau quả Thái Lan vẫn dẫn đầu trong các thị trường nhập khẩu của Việt Nam.

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2019, giá trị nhập khẩu rau quả ước đạt 1,775 tỷ USD, tăng 1,8% so với năm 2018. Trong đó, Thái Lan là thị trường Việt Nam nhập khẩu rau quả nhiều nhất, đạt gần 465 triệu USD.

Tuy nhiên, nhiều tiểu thương bán hoa quả lâu năm cho biết, bên cạnh trái cây Thái Lan vào Việt Nam theo đường chính ngạch thì có rất nhiều sản phẩm đi theo đường tiểu ngạch và chất lượng không đảm bảo.

Sầu riêng, măng cụt Thái Lan đổ vào Việt Nam - Ảnh 2.

Giá cao hơn tầm 10.000 đồng mỗi kg nhưng măng cụt Thái được người tiêu dùng chuộng hơn hàng Việt vì chất lượng đồng đều. Ảnh: Thanh Thương.

“Một số chủ buôn mời chào các loại trái cây Thái giá hấp dẫn nhưng tôi không nhập vì nguồn gốc không rõ ràng. Do vậy, người tiêu dùng nên thận trọng vì không phải sản phẩm Thái nào chất lượng cũng đảm bảo”, một người bán hoa quả tên Loan cho hay.

Do sức hút của các loại trái cây của Thái mới trên thị trường, nên dù đắt, nhiều người vẫn muốn mua về nếm thử. Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm thấy hài lòng.

Nhìn hình ảnh dứa Thái mini hấp dẫn rao bán trên mạng, Hồng Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) vội đặt mua 10 quả có giá 150.000 đồng về ăn thử. Nhưng cô không khỏi thất vọng vì dứa quá ngọt, không thơm và ngọt thanh như dứa Việt.

"Sau một lần ăn thử thì mình quay về với hàng Việt Nam, ăn vẫn ngon và đảm bảo hơn", Minh nói.

Thanh Thương

Sự kiện chứng khoán nổi bật 2024: Thách thức mốc 1.300 điểm, khối ngoại bán ròng kỷ lục, VNDirect bị hacker quốc tế tấn công
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng năm thứ hai liên tiếp (2023 - 2024). Cùng điểm lại những sự kiện đáng chú ý nhất ngành chứng khoán trong năm qua như sự kiện nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục, hệ thống của VNDirect bị hacker quốc tế tấn công.