|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

2021: Một năm thắng lớn của ngành thép

08:00 | 20/12/2021
Chia sẻ
2021 là một năm rực rỡ với ngành thép xây dựng khi giá liên tục lập đỉnh kéo theo kết quả kinh doanh của nhiều ông lớn cũng xô đổ các kỷ lục cũ. Mặc dù thị trường cuối năm có vẻ bắt đầu hạ nhiệt nhưng ngành thép xây dựng được kỳ vọng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công 2022.

Giá thép lập kỷ lục vì cơn sốt giá nguyên liệu đầu vào

Năm 2021 chứng kiến cuộc bùng nổ giá thép xây dựng. Theo đó, giá thép xây dựng ngay từ đầu năm đã bứt phá từ dưới mốc 13.000 đồng/kg lên hơn 15.000 đồng/kg.

Kể từ đó, giá thép xây dựng liên tục lập đỉnh mở, cao nhất lên tới 17.200 đồng/kg thiết lập hồi tháng 6. So với trung bình năm 2020, giá thép xây dựng năm nay tăng gần 20%.

Sau cú tăng phi mã 2021, cú hích nào sẽ giúp ngành thép tiếp tục bùng nổ trong năm 2022? - Ảnh 1.

Diễn biến giá thép xây dựng trong 11 tháng đầu năm 2021 và các năm 2016 - 2020. (Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam)

Nguyên nhân chính đẫn đến giá thép tăng phi mã đến từ chi phí nguyên vật liệu đầu vào đều tăng mạnh. 

Theo Bộ Công Thương, căn cứ vào hóa đơn tài chính do các đơn vị sản xuất thép cung cấp cho thấy, giá nguyên liệu nhập khẩu của các nhà máy sản xuất thép đều tăng. Trong đó, giá quặng sắt tháng 5 năm 2021 tăng so với giá tháng 2 năm 2020 là 2,4 lần và tăng so với tháng 12 năm 2020 là 32%. 

Giá thép phế liệu tháng 5 năm 2021 tăng so với giá tháng 2 năm 2020 là 1,9 lần và tăng so với tháng 12 năm 2020 là 18%.

Sau cú tăng phi mã 2021, cú hích nào sẽ giúp ngành thép tiếp tục bùng nổ trong năm 2022? - Ảnh 2.

Nguồn: Hiệp hôi Thép Việt Nam

Cùng lúc đó, nhu cầu tăng mạnh góp phần đẩy giá thép xây dựng tăng thêm. Đỉnh điểm trong năm 2021, tháng lượng bán thép xây dựng lên tới hơn 1,2 triệu tấn cao hơn 25% so với cuối năm ngoái.

Đặc biệt, số liệu xuất khẩu thép xây dựng liên tục tăng “bằng lần” đủ cho thấy nhu cầu mặt hàng này cao như nào trong năm nay.

Việc giá thép xây dựng giúp hàng loạt công ty trong ngành được hưởng lợi, phản ánh vào chính kết quả kinh doanh trong ngành. 

Điển hình như “cánh chim đầu ngành” Hòa Phát ghi nhận kết quả kinh tăng trưởng khủng trong 9 tháng đầu năm với doanh thu đạt hơn 105.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 27.100 tỷ đồng, lần lượt tăng 60% và 200% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Với kết quả này, công ty vượt 45% kế hoạch về lợi nhuận sau thuế của cả năm 2021, xô đổ mọi kỷ lục đã ghi nhận trước đó. 

Hiện Hòa Phát đang đứng đầu thị trường thép xây dựng của cả nước với thị phần duy trì khoảng 30 - 35%. 

Công ty Thép Pomina cũng ghi nhận doanh thu 9.588 tỷ đồng, tăng gần 32% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 206 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 128 tỷ đồng.

Với kết quả này, Thép Pomina đã thực hiện được gần 80% mục tiêu doanh thu và 34% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm.

Trước những thuận lợi của ngành, Hiệp hội Thép Việt Nam hồi tháng 4,5 đã gửi công văn cho các doanh nghiệp hội viên khuyến nghị đẩy mạnh công suất. VSA đồng thời khuyến nghị các doanh nghiệp tổ chức hệ thống phân phối hợp lý để ổn định nguồn cung trong nước, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

Các doanh nghiệp tăng cường hợp tác phối hợp ưu tiên nguồn nguyên liệu và thép thô cho thị trường trong nước. Tiết giảm chi phí sản xuất, đồng thời bảo đảm giá bán hợp lý để bình ổn giá cả thị trường thép trong nước.

Nỗi lo vỡ trận của các nhà thầu xây dựng 

Giá thép tăng cao trong mùa cao điểm xây dựng (quý II), khiến các nhà thầu không khỏi “sốc” và lo lắng sẽ thua lỗ, đặc biệt là các dự án đã ký kết hợp đồng trước đó.

Một doanh nghiệp xây dựng công trình dân dụng cho biết đa số các công trình đều đã ký hợp đồng trọn gói. Do đó, giá thép tăng cao ăn mòn vào lợi nhuận của công ty, thậm chí phải chịu thua lỗ trong thời kỳ giá thép cao điểm hồi tháng 5,6. Còn đối với các chủ thầu có điều khoản về rủi ro trượt giá thì có vẻ bớt thiệt hại hơn. 

Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến.

Hiệp hội nhấn mạnh các nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn, không có cách tháo gỡ do các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng). 

Vì vậy, các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt này còn các dự án đầu tư vốn ngân sách thì lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các sở xây dựng mà các thông báo này lại không cập nhật biến động giá kịp thời.

Hiệp hội kiến nghị Văn phòng Chính phủ chỉ đạo sớm các Bộ ngành liên quan kiểm tra triệt để nguyên nhân, các Sở Xây dựng cập nhật đơn giá thị trường.

Mặc dù vậy, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhiều lần đã nhấn mạnh trong các báo cáo định kỳ rằng việc giá thép xây dựng tăng hoàn toàn giá nguyên liệu và nhu cầu tăng cao. 

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 sáng ngày 22/4, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, cho biết điều này là bình thường.

"Về cơ bản kiến nghị kiểm tra của Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng là bình thường và điều này không ảnh hưởng đến Hòa Phát vì chúng ta đang trong thời kỳ kinh tế thị trường. Nếu việc kiểm tra không phát hiện điều gì bất thường như độc quyền thị trường thì cũng không có vấn đề gì.", ông Long cho biết.

Bán hàng giảm mạnh về cuối năm

Sau thời gian tăng nóng, bước sang quý, trước những tác động của dịch COVID-19, giá thép xây dựng hạ nhiệt.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết nhu cầu tiêu thụ thép trong nước giảm khi nhiều tỉnh thành phố thực hiện giãn cách xã hội kéo dài dẫn đến lượng bán hàng trong nước giảm. Theo đó, trong quý III, lượng bán hàng giảm tới 40% so với quý II. 

Sang quý IV, lượng bán hàng vẫn chưa cải thiện. Chỉ riêng trong tháng 11, lượng bán hàng thép xây dựng đạt 872.846 tấn, giảm 26,11% so với tháng trước và giảm 31,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Sau cú tăng phi mã 2021, cú hích nào sẽ giúp ngành thép tiếp tục bùng nổ trong năm 2022? - Ảnh 3.

Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam

Mặc dù giá lượng bán hàng giảm sút nhưng giá thép xây dựng giảm không quá mạnh, trung bình khoảng 16.200 đồng/kg, chỉ thấp hơn so với mức giá đỉnh 17.200 thiết lập hồi tháng 6 là 1.000 đồng/kg.

Như vậy, sau khoảng thời gian sốt giá bất thường (từ tháng 12/2020), hiện tại, thị trường thép đã đi vào ổn định. 

Bộ Công Thương cho rằng giá sản phẩm thép đã hình thành nên “mặt bằng” giá mới theo thực tế khách quan.

Kỳ vọng năm 2022 ngành thép được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công

Mặc dù lượng bán hàng giảm mạnh, nhưng ngành thép được kỳ vọng tiếp tục được hưởng lợi bởi làn sóng đầu tư công trong năm 2022.

Theo Bộ Công Thương, để phục hồi nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ các nước trên thế giới ban hành nhiều gói kích thích kinh tế hàng chục nghìn tỷ USD làm cho giá các loại nguyên liệu sơ cấp của nền kinh tế thế giới (giá dầu mỏ, giá nguyên liệu thô, giá vận chuyển vật liệu) tăng.

Ở thị trường trong nước, theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công cho năm 2020 – 2021 ở mức cao lịch sử so với trung bình 3 năm trước đó, tuy nhiên thì tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay thấp hơn hẳn so với các năm trước đó cùng thời kỳ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. 

Do đó, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, chúng tôi cho rằng thời gian sắp tới khi dần mở cửa sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân và xây dựng hơn nhiều và sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng.

Ngoài ra, nhiều dự án bất động sản đang trong quá trình triển khai dự án bị hoãn lại trong 9 tháng đầu năm 2021 do ảnh hưởng giãn cách xã hội cùng với việc giá vật liệu xây dựng liên tục tăng từ đầu năm khiến cho việc triển khai các dự án bất động sản nhiều khó khăn. Do đó, việc khởi động các dự án này góp phần thúc đẩy nhu cầu thép xây dựng.

Hiệp hội Thép Việt Nam nhận định "Xét thị trường tiêu thụ thép dài tại Việt Nam thì nhu cầu có tín hiệu tích cực cho các công trình dân dụng và hạ tầng cơ sở, đặc biệt đầu tư công lớn. Xu hướng giá giảm trong thời gian qua do giá phế nhập và nội địa giảm góp phần khiến các nhà thương mại e dè mua hàng vào cuối năm".

H.Mĩ

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.