|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sau camera giám sát, các thương hiệu ngoại tiếp tục 'đánh chiếm' miếng bánh smarthome?

16:49 | 17/05/2023
Chia sẻ
EZVIZ và IMOU vốn được biết tới là thương hiệu camera giám sát được hậu thuẫn bởi hai ông lớn top đầu là HK Vision và Dahua, song nhiều năm qua, nhằm bắt kịp xu thế chung, hai thương hiệu này đã cạnh tranh tiến tới mạnh mẽ ở lĩnh vực nhà thông minh (smarthome).

Mới đây, thương hiệu camera giám sát EZVIZ đã tiếp tục cho ra mắt các thiết bị mới trong bộ sưu tập "Dream easy, Live smart", từng bước hoàn thiện hệ sinh thái, hướng đến phân khúc nhà thông minh trong năm 2023. Bộ 4 sản phẩm được ra mắt lần này gồm thiết bị nhà thông minh, camera, giải pháp dọn dẹp và lối vào. 

Đây là lần thứ hai EZVIZ ra mắt sản phẩm trong hệ sinh thái nhà thông minh đi theo triết lý lấy nền tảng EZVIZ Cloud làm cốt lõi cho hệ sinh thái IoT dựa trên 4 nhóm chính là camera thông minh, nhà thông minh, robot và điều khiển thông minh, giúp tạo nên hệ sinh thái toàn diện 1+4+N, đưa vào một kết nối chung giúp người dùng thuận tiện hơn. Năm 2022, thương hiệu này đã có lần đầu giới thiệu bộ sản phẩm hướng tới hệ sinh thái nhà thông minh.

 EZVIZ từng bước hoàn thiện hệ sinh thái nhà thông minh. (Ảnh: Doanh Chính).

Nhà thông minh là một trong ba xu hướng công nghệ được The New York Times nhận định sẽ là điểm sáng của năm 2022. Xu hướng này cũng đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam nhờ ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với dữ liệu và kết nối vạn vật. 

Theo báo cáo của Statista, doanh thu thị trường nhà thông minh toàn cầu đạt 117,55 tỷ USD tính đến cuối tháng 12/2022. Dự kiến tới năm 2027, doanh thu nhà thông minh toàn cầu đạt 222,90 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR 2022-2027) là 12,47%. Hai nhóm sản phẩm gia dụng thông minh và thiết bị điều khiển/kết nối thông minh vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất.

Tại Việt Nam, báo cáo Statista cho biết doanh thu trên thị trường nhà thông minh năm 2022 có thể ​​đạt 232,30 triệu USD. Tổng doanh thu thị trường nước ta vào năm 2027 được dự báo đạt 460,10 triệu USD với tỷ lệ tăng trưởng kép CAGR là 12,51%. Bên cạnh đó, số hộ gia đình lắp đặt smart home dự kiến ​​sẽ lên tới 5,6 triệu vào năm 2027. Tỷ lệ thâm nhập hộ gia đình là 11,9% vào năm 2022 và dự kiến ​​sẽ đạt 22,6% vào năm 2027.

Hiện tại thị trường nhà thông minh đã và đang phải đối mặt với thách thức lớn về khả năng tương thích giữa các thiết bị. Các hệ sinh thái khác nhau, các giao thức truyền thông khác nhau và việc thiếu một tiêu chuẩn chung, đã giới hạn các tùy chọn của người tiêu dùng, gây ra sự phức tạp trong quá trình cài đặt. Do đó, việc hoàn thiện hệ sinh thái, đưa về một kết nối chung đang là xu hướng mà các nhà sản xuất theo đuổi.

Máy hút bụi 2in1 của IMOU (Ảnh: IMOU).

Cuối năm ngoài, nửa năm sau khi EZVIZ ra mắt bộ 4 sản phẩm nhà thông minh đầu tiên. Đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực camera giám sát là IMOU đã cũng đã tiến vào với bộ 4 sản phẩm dựa trên mô hình chiến lược mới mang tên 2+4+N, với 4 sản phẩm chính là camera, robot, thiết bị và kết nối.

Tương tự EZVIZ, IMOU cũng theo đuổi dựa trên công nghệ cốt lõi của một đơn vị làm camera giám sát là khả năng ghi hình, trí tuệ nhân tạo, nền tảng lưu trữ đám mây và kết nối IoT. 

Thương hiệu camera giám sát ngoại nhòm ngó miếng bánh smarthome

Theo một báo cáo của B&Company, giá trị nhập khẩu camera an ninh Wi-Fi trong năm 2020 là hơn 27 triệu USD. Đáng chú ý, ba thương hiệu ngoại chiếm tới 95% tổng thị phần với EZVIZ (51,6%); IMOU (30,7%) và KBONE (12,6%). Chỉ một phần nhỏ khoảng 5,1% được nắm giữ bởi các công ty khác, trong đó có doanh nghiệp nội.

Với hơn 40 sản phẩm phục vụ nhu cầu giám sát trong nhà và ngoài trời với nhiều mức giá khác nhau, EZVIZ đã trở thành lựa chọn phổ biến. Trong hai phân khúc dẫn đầu Camera Wi-Fi ngoài trời và Camera Wi-Fi trong nhà, EZVIZ vượt qua hai cái tên còn lại trong top 3 về tổng lượng nhập khẩu vào năm 2020. 

EZVIZ dẫn đầu cũng là điều dễ hiểu. Bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2017 và sau 5 năm phát triển, doanh nghiệp này đã có hơn 4,2 triệu người dùng tại Việt Nam. Dưới sự hậu thuẫn của Hikvision - một ông lớn dẫn đầu trong ngành camera giám sát, EZVIZ đã bắt đầu với những sản phẩm camera giám sát trong nhà từ năm 2013. Đến nay, thương hiệu này đã tự phát triển và đủ năng lực xây dựng hệ sinh thái nhà thông minh của riêng mình.

Trao đổi với chúng tôi, bà Đinh Phương Mai, quản lý thương hiệu của EZVIZ cho biết công ty dành 13% doanh thu cho hoạt động R&D và số lượng kỹ sư chiếm 30% tổng nhân sự. Con số này dễ hiểu bởi EZVIZ là thương hiệu con, phục vụ hoạt động nghiên cứu sản phẩm cho Hikvision.

Cũng được hậu thuẫn bởi một cái tên nổi tiếng trong lĩnh vực camera là Dahua, IMOU xuất hiện ở Việt Nam muộn hơn so với EZVIZ. Năm 2019, thương hiệu này tiến vào Việt Nam và tới nay đã xây dựng được hệ thống phân phối lên tới hàng chục nghìn điểm bán.

 FPT tích hợp các dịch vụ của mình cho giải pháp nhà thông minh, từ internet cho tới truyền hình. (Ảnh: FPT).

Trái ngược với sự cạnh tranh của Hikvision và Dahua ở phân khúc hệ thống camera giám sát, phục vụ các tòa nhà, trụ sở lớn, EZVIZ và IMOU tập trung chủ yếu ở phân khúc hàng hộ gia đình. Do đó, việc hai thương hiệu này ra mắt hệ sinh thái nhà thông minh dựa trên nền tảng của lĩnh vực camera giám sát là điều tất yếu. Nhờ lợi thế đi đầu ở mảng camera, thương hiệu ngoại đang cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp nội ở miếng bánh smarthome.

Trong những năm qua, các doanh nghiệp nội như FPT, VNPT hay Viettel đang rất tích cực phát triển hệ thống smarthome của riêng mình. FPT bắt đầu tăng tốc trong lĩnh vực này vào năm 2021, khi chính thức ra mắt hàng loạt thiết bị nhà thông minh thuộc hệ sinh thái iHome được tích hợp nhiều dịch vụ như Internet, truyền hình, OTT, camera, cảm biến dựa trên công nghệ của tập đoàn này.

Trong khi đó, VNPT Technology cũng đã tăng tốc với Vconnex Smarthome trong năm 2022. VNPT Technology đã ra mắt giải pháp nhà thông minh ONE Home quản lý, kết nối, điều khiển, giám sát toàn bộ thiết bị trong ngôi nhà.

Trong khi đó, giải pháp Nhà Thông Minh AIO cũng đang được Viettel Construction phát triển và hoàn thiện. MobiFone cũng không kém cạnh khi tung ra sản giải pháp mHome, nền tảng IoT Platform do MobiFone tự phát triển, có thể điều khiển từ xa cho các thiết bị như camera, bóng đèn, ổ cắm, điều hòa, tivi, tủ lạnh, rèm cửa, cảm biến ánh sáng, nhiệt độ...

Thành Vũ