|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sau bão Yagi, nhiều chủ tàu du lịch 'trắng tay' nhưng vẫn phải lo trả lãi ngân hàng

09:54 | 19/09/2024
Chia sẻ
Sau hơn 10 ngày sau bão Yagi, nhiều tàu du lịch vẫn bị đắm và chưa được trục vớt. Nhiều khả năng hỏng hoàn toàn, ước tính thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đồng.

 Các tàu du lịch bị đắm tại Hạ Long ngày 18/9. (Nguồn: Nguyễn Ngọc).

Hơn 10 ngày sau cơn bão số 3 (bão Yagi), dù các điểm du lịch như Cát Bà (Hải Phòng), Hạ Long và Tuần Châu (Quảng Ninh) đã đón khách trở lại, song nhiều tàu du lịch vẫn đang bị đắm và chưa được trục vớt. Nhiều khả năng hỏng hoàn toàn, ước tính thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đồng.  

Trắng tay sau bão

Bỏ ra 3 tỷ đồng để đầu tư một con tàu tại Vịnh Hạ Long, anh Nguyễn Danh Bằng, chủ tàu Minh Hương cho biết, do tác động bởi COVID-19, con tàu nằm yên hơn 4 năm, trở thành gánh nặng với khoản tiền gốc, lãi hằng tháng. Từ cuối năm 2023 đến hết tháng 8, khách du lịch cả trong nước và quốc tế dần phục hồi, thì bão Yagi ập tới nhấn chìm nguồn thu nhập chính của gia đình anh.

Điều đáng buồn, do tài chính khó khăn không có điều kiện mua bảo hiểm cho vỏ tàu nên khi tàu bị đắm không nhận được tiền bồi thường từ cơ quan bảo hiểm.

“Sau bão chúng tôi trắng tay. Sắp tới, không biết lấy tiền đâu ra mà trả ngân hàng. Mà chậm trả lãi thì lại vào nhóm nợ xấu ngay và như vậy càng không thể tiếp tục vay vốn để sửa chữa hay đóng thuyền mới”, anh Bằng lo lắng.

Tình cảnh của anh Bằng cũng giống như hầu hết các chủ tàu bị đắm trong bão Yagi ở Hạ Long. Như trường anh Vũ Đình San, chủ tàu Bến Hải, sở hữu 4 tàu thì đắm đến 3 tàu bị đắm còn một tàu không chìm nhưng hệ thống mái bị mất hết nếu sửa chữa thì phải mất mấy trăm triệu đồng.

Trong khi đó, tác động của COVID-19, lượng khách du lịch giảm sút khiến chủ tàu không thể đóng được bảo hiểm thân tàu nên không nhận được tiền bảo hiểm. Mà mỗi tàu có giá trị khoảng 3 tỷ đồng, 4 tàu là khoảng 12 tỷ đồng đều vay tiền ngân hàng thế chấp bằng tài sản và trả lãi theo tháng. Hiện tất cả các tàu đều dừng hoạt động, đợt tới không biết xoay tiền ở đâu để trả tiền lãi và gốc.

“Giờ muốn bán cũng không ai mua, hoặc nếu có người mua thì cũng trả thấp không đủ trả lãi ngân hàng”, anh San lo lắng.

 Các chủ tàu bị đắm tàu tại Hạ Long ngày 18/9. (Nguồn: Nguyễn Ngọc)

Còn anh Bùi Thế Quảng, Giám đốc tàu Lux Cruises Group cho biết, trong bão Yagi vừa qua, hai du thuyền cao cấp tại Cát Bà bị đắm, toàn bộ phần trang trí kính và gỗ gần như bị bay hết; các bến chờ lên thuyền tại Tuần Châu cũng bị thổi bay phần kính, trần và các cầu cảng bị sập hoàn toàn; còn trên du thuyền ở Hạ Long chỉ đổ vỡ một số kính và vật dụng trong nhà hàng.

“Thiệt hại về tài sản rất nghiêm trọng lên tới 5 tỷ đồng, may mắn là doanh nghiệp có mua bảo hiểm và đang ngành bảo hiểm giải ngân”, anh Quảng nêu rõ.

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh, 27 tàu du lịch và 4 tàu chuyển tải bị đắm với tổng giá trị thiệt hại ước tính hơn 100 tỷ đồng. Tại Hải Phòng, có 23 xuồng, tàu thuyền bị hư hỏng, chìm và chưa có thống kê về thiệt hại.

Mùa cao điểm khách du lịch có bị bỏ lỡ?

Trên thực tế, sau tháng 9 là cao điểm của khách quốc tế đến Việt Nam. Tuy vậy, đến nay, nhiều tàu vẫn chưa thể trục vớt do có đơn vị đến trước thì không làm được, đơn vị đến sau giá đôn lên quá cao. Mỗi tàu trục vớt cả trăm triệu đồng, quá sức chi trả của chủ tàu. 

Theo anh Quảng, đến thời điểm này, nếu tàu có vớt được thì cũng hỏng hết và khó có thể sửa lại. Vì vậy, nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ như miễn giảm các khoản phí và hỗ trợ tài chính, nhằm giúp các doanh nghiệp khác trong ngành sớm vượt qua khó khăn. 

“Đây là cơ hội để ngành du lịch đánh giá lại khả năng ứng phó với thiên tai và cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai”, anh Quảng kỳ vọng. 

Còn anh San cho rằng, sau COVID-19, phải mất gần 4 năm ngành du lịch mới phục hồi hoàn toàn, nhưng cơn bão này có khi cả chục năm chưa phục hồi nếu không có sự hỗ trợ từ phía nhà nước, đặc biệt là từ phía ngân hàng.

"Chúng tôi mong các ngân hàng sẽ có chính sách hỗ trợ để chủ tàu có thể vay vốn để đóng lại một tàu mới hay để sửa chữa tàu cũ", anh San nêu rõ.

Nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục thiệt hại sau bão, ngày 18/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản gửi Chủ tịch các ngân hàng, đề nghị nghị Chủ tịch HĐQT các ngân hàng, đề xuất Hội đồng thành viên các ngân hàng có các cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới đối với những khách hàng không còn tài sản thế chấp, cho vay mới với lãi suất phù hợp...

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cũng chỉ đạo cơ quan chức năng thành phố có giải pháp hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp bị thiệt hại sản xuất sau bão. Trước mắt, nghiên cứu tăng nguồn vốn ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội để cho các doanh nghiệp, hộ dân vay kịp thời phục hồi sản xuất, xem xét khoanh nợ, gia hạn nợ, xóa nợ, cho vay tiếp đối với các đối tượng vay bị thiệt hại sau bão số 3.

Các ngân hàng xem xét biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời gian trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới… để khôi phục sản xuất cho những khách hàng bị thiệt hại sau bão.

Ngọc Bảo

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân: Hạ lãi suất cần cân nhắc đến tỷ giá, tác động từ Fed sẽ có độ trễ
Theo chuyên gia, động thái nới lỏng gần đây của NHNN sẽ giúp hạ lãi suất huy động, nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới tỷ giá, nhất là trong bối cảnh Fed hạ lãi suất mới chỉ mang tác động về mặt tâm lý.