|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sau bão Yagi, có doanh nghiệp phải mất vài năm để trở lại hoạt động bình thường

09:00 | 15/09/2024
Chia sẻ
Sau ba năm bị tác động bởi COVID19, cộng động doanh nghiệp dần phục hồi và đi vào hoạt động ổn định. Tuy vậy, sau cú sốc từ bão Yagi, có lẽ phải mất nhiều thời gian nữa doanh nghiệp mới có thể khôi phục lại bình thường.

Khung cảnh ngổn ngang tại khu Phố cổ phường Bãi Cháy. (Nguồn: Báo Quảng Ninh).

Bão số 3 đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh khiến cho ngành du lịch chịu thiệt hại không nhỏ và làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Anh Nguyễn Văn Trường, chủ kinh doanh nhà hàng hải sản tại Bãi Cháy cho biết,  nhà hàng đã bị thiệt hại nặng nề, toàn bộ phần mái bên ngoài, bàn ghế, vật dụng đã bị bão làm hỏng hóc không thể sử dụng.

"Trong khi đó, để xây dựng được một cơ sở kinh doanh giữa trung tâm du lịch như này cần rất nhiều kinh phí và để hoạt động bình thường như trước đây phải mất vài năm", anh Trường chia sẻ.

Tương tự, anh Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty hệ thống 1900 tại Quảng Ninh cho biết, hai khu dịch vụ ăn uống, café, check-in của doanh nghiệp bình thường thu hút rất đông du khách. Tuy nhiên, hiện giờ chỉ còn lại đống đổ nát, buộc phải làm lại từ đầu.

“Hiện tại không còn cái gì. Bắt đầu lại từ đầu quả là rất khó khăn, phải đi tìm ý tưởng, xây dựng, thiết kế lại từ đầu theo mô hình, xu hướng mới”, anh Tùng chia sẻ.

Tại Hải Phòng, bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc Phát triển Bền vững, Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C cũng cho biết, dù chưa ước tính được thiệt hại là bao nhiêu, song phần lớn những doanh nghiệp đều có chung một tình trạng là hiện tượng tốc mái nhà xưởng, các khu văn phòng, nhà xưởng, mất điện, mất nước, gián đoạn hoạt động sản xuất.

“Thậm chí, có doanh nghiệp phải sửa chữa lại toàn bộ cơ sở hạ tầng, nhà xưởng nhà máy mất 2-3 tháng khôi phục và có những nhà xưởng bị nặng nề hơn dự tính đến cuối năm mới có thể khôi phục được sản xuất”, bà Hoàn quan ngại.

Còn theo ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, do có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, nên phần lớn các doanh nghiệp Hàn Quốc không bị thiệt hại nặng về cơ sở vật chất. Tuy vậy, khi bão YAGI đổ vào, nhiều khu vực bị cắt điện để đảm bảo an toàn hoặc do sự cố đường dây đã gây thiệt hại lớn đến dây chuyển sản xuất các nhà máy, đặc biệt là dây chuyền sản xuất chip và bán dẫn dẫn đến thiệt hại rất lớn.

Còn tại tỉnh Phú Thọ và tỉnh Thái Nguyên, do lũ lụt diễn ra rộng khắp nên người lao động không thể đi làm khiến các nhà máy lâm vào tình trạng thiếu lao động trầm trọng.

“Hiện các đang nỗ lực phục hồi một cách nhanh chóng, nếu tính hình không mưa nữa thì tương đối ổn. Nhưng hiện tại, mưa vẫn đang nhiều, người dân sẽ tiếp tục lại khó khăn thì các nhà máy sẽ tiếp tục khó khăn”, ông Hong Sun quan ngại.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. (Nguồn: Cổng TTĐT Quốc hội)

Cần có một quỹ ứng phó thiên tai khẩn cấp 

Theo ông Hong Sun, tại Hải Phòng, ngay sau khi bão đi qua, chính quyền địa phương đã nhanh chóng triển khai công tác khắc phục hậu quả, đặc biệt là phục hồi nguồn điện. Do đó, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Hàn Quốc như LG đang dần phục hồi quá trình sản xuất.

"Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ cố gắng nhanh chóng hồi phục sớm về cơ sở hạ tầng để thuận tiện đi lại, từ đó tình hình kinh doanh của doanh nghiệp sẽ ổn định và phát triển", ông Hong Sun nêu rõ.

Theo ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, hiện các địa phương và bộ ngành đang rà soát, tổng hợp và báo cáo Chính phủ về những thiệu hại do cơn bão chưa từng có trong 30 năm qua. Số liệu cụ thể phải chờ thêm nhưng chắc chắn sẽ tác động rất mạnh đến xã hội, môi trường, kết cấu hạ tầng và cả kinh tế.

“Chính phủ đã quyết định cấp 100 tỷ đồng cho 5 địa phương, còn Hải Phòng và Quảng Ninh tự cân đối được nhưng họ vẫn đang tính toán thêm nếu cần sự hỗ trợ sẽ đề nghị tới Chính phủ trong thời gian tới”, ông Lực thông tin.

Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV. (Nguồn: Nguyễn Ngọc)

Tuy vậy, theo ông Lực, thời gian tới, chúng ta phải rút ra bài học kinh nghiệm để giảm thiếu rủi ro và tác động trong tương lai như liên quan đến việc làm thế nào để xây dựng các công trình bền vững hơn, chống chịu tốt hơn, đặc biệt những cơ chế hỗ trợ tài chính nhanh hơn và hiệu quả hơn.

“Như các nước có một quỹ ứng phó thiên tai khẩn cấp. Việt Nam cũng nên xem xét hướng này trong thời gian tới”, ông Lực khuyến nghị.

Ngọc Bảo