|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sát tết dồn dập tăng lãi suất: Ôm tiền mặt lại sướng

06:57 | 23/01/2017
Chia sẻ
Các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động tiền gửi vào những ngày cuối năm. Đây là tín hiệu cho thấy, mặt bằng lãi suất năm 2017 nói riêng và thị trường tiền tệ nói chung có thể khó giữ được ổn định như 2016.

Đẩy mạnh huy động tiền

Trong những ngày sát tết, đầu năm mới 2017 hàng loạt các ngân hàng công bố lãi suất huy động tiền gửi mới với nhiều kỳ hạn tăng lên đáng kể với mục đích có thể là huy động nguồn tiền trong dân để phục vụ nhu cầu vay vốn được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Ngày 11/1, Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) công bố bảng lãi suất tiết kiệm mới với lãi suất tăng ở hầu hết các kỳ hạn. Kỳ hạn 6 tháng nhận lãi cuối kỳ tăng mạnh lên 6,7%/năm.

Lãi suất cho các kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng được DongABank áp dụng đồng loạt ở mức rất cao: 7,5%/năm.

sat tet don dap tang lai suat om tien mat lai suong

Lãi suất huy động đã lên tới 7,8-7,9%/năm.

Cũng trong ngày 11/1, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank cũng áp dụng biểu lãi suất huy động mới với mức tăng khoảng 10 điểm phần trăm so với bảng lãi suất trước đó. Lãi suất cao nhất ghi nhận tại VPBank lên tới 7,6-7,7%/năm, thậm chí lên tới 7,8-7,9% nếu gửi trực tuyến, chưa tính tới các khách hàng ưu tiên và các chương trình quay thưởng.

Trước đó, nhiều NHTMCP cũng đã đến hẹn lại lên điều chỉnh tăng lãi suất huy động vào dịp cuối năm nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định và đáp ứng nhu cầu chi tiêu, lương thưởng vào dịp cuối năm và dự phòng nguồn vốn cho một năm mới.

Ngay đầu năm mới, Eximbank đã tăng lãi suất huy động thêm 10-20 điểm phần trăm. Sacombank cũng tăng ở mức tương tự, với lãi suất các kỳ hạn trên 15 thắng đều ở mức 7%/năm. Cuối 2016, nhiều NH như Techcombank, TPBank, Pvcombank… cũng đã tăng lãi suất huy động tiền gửi, với mức tăng thêm 10-30 điểm phần trăm.

Như vậy, sau một năm khá ổn định, thậm chí có xu hướng đi xuống trong các tháng trước đó, lãi suất đang có xu hướng tăng dần lên.

Trong năm 2016, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như một số CTCK, thị trường tiền tệ khá ổn định, lãi suất gần như không thay đổi trong khi tỷ giá không có nhiều biến động.

Theo CTCK Bảo Việt (BVSC), mặt bằng lãi suất 2016 một số thời điểm có điều chỉnh giảm nhẹ. Lãi suất huy động tăng 0,2-0,3% trong 3 tháng đầu năm nhưng trong quý cuối nhiều TCTD giảm 0,3-0,5% lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay 0,5-1%/năm.

Tuy nhiên, những tín hiệu đầu năm mới cùng với những mục tiêu kinh tế đã được đề ra, nhiều chuyên gia cho rằng, mặt bằng lãi suất có thể sẽ tăng trong năm 2017 và còn chịu áp lực từ những thay đổi lớn trên thị trường tài chính thế giới, thời tổng thống Mỹ Donald Trump.

Áp lực hình thành mặt bằng lãi suất mới

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng phòng môi giới chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect, dư địa lãi suất đồng VND không còn nữa, lãi suất chịu nhiều áp lực tăng trong năm 2017. Trong khi đó, USD trên toàn cầu tăng so với hầu hết các đồng tiền trên thế giới và một số nước sẽ phải tăng lãi suất để duy trì sự hấp dẫn của đồng nội tệ.

Trong một báo cáo gần đây, CTCK Bảo Việt đưa ra dự báo cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có thể sẽ tăng thêm 0,5-1%/năm trong năm 2017.

sat tet don dap tang lai suat om tien mat lai suong

Mặt bằng lãi suất được dự báo tăng trong năm 2017.

Theo đó, sự phục hồi tăng trưởng tín dụng trong năm qua sẽ có quán tính cho các năm tiếp theo và sẽ gây áp lực lên mặt bằng lãi suất và lạm phát. Áp lực đối với thị trường tiền tệ là rất lớn nếu Chính phủ muốn đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% giai đoạn 2016-2020.

Cũng theo dự báo của BVSC, tăng trưởng tín dụng 2017 có thể vẫn sẽ được duy trì ở mức cao 17-18%. Lạm phát trong khi đó chịu áp lực gia tăng, một phần do giá cả đầu vào trong đó có dầu khí đang tăng lên. Áp lực từ kế hoạch tăng lãi suất đồng USD của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng gây ra nhiều thách thức cho điều hành lãi suất đồng VND.

Theo lý thuyết, mặt bằng lãi suất tăng hay giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ cung cầu vốn trên thị trường, tính thanh khoản, khả năng thanh toán… Trong năm 2017, thách thức của việc điều hành lãi suất còn nằm ở nhiệm vụ cân bằng với mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Trong năm 2017, lạm phát được cho là sẽ một vấn đề có thể ảnh hưởng tới các chính sách vĩ mô khác. Trước đây, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được tính toán so với cuối năm trước. Còn giờ đây, các cơ quan quản lý tính theo CPI bình quân. Theo cách tính này, CPI 2016 chỉ ở mức 2,66%. Như vậy, con số 4% mục tiêu đặt ra cho năm 2017 cho thấy Chính phủ và Quốc hội đã lường tới khả năng giá cả trên thế giới tăng nhanh trong năm nay.

Với lạm phát có thể lên cao, tỷ giá có thể chịu sức ép từ những biến động bất thường trên thế giới và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khả năng lãi suất tăng lên là một dự báo được rất nhiều tổ chức và chuyên gia đề cập tới.

Diễn biến thực tế còn phụ thuộc vào những biến động trên thị trường ngoại hối và tài chính thế giới, phụ thuộc và sự dịch chuyển của các dòng tiền đầu tư và thương mại. Nhưng tất cả đều rất khó đoán khi nước Mỹ đã có một tổng thống mới và vị tổng thống này đang có những thay đổi về chính sách kinh tế với các nước và khu vực trên thế giới.

Quyết định của Nhà Trắng rút khỏi TPP ngay sau khi Trump nhậm chức là báo hiệu đầu tiên cho thấy những biến động khó lường trên thế giới. Lãi suất có thể sẽ là một trong các bài toán khó giải đối với NHNN, với các NH trong năm 2017, Tuy nhiên, với nền tảng ổn định của 2016; nguồn lực và quan điểm điều hành nhất quán và cứng tay của cơ quan quản lý thì niềm tin và sự ổn định thị trường tiền tệ và cụ thể là lãi suất vẫn được đánh giá cao từ phía DN và các tổ chức quốc tế.

V. Hà

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.