|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sản xuất nhỏ lẻ 'cản chân' tôm Việt thâm nhập các thị trường lớn

09:05 | 30/08/2019
Chia sẻ
Thách thức lớn nhất hiện nay đó là tình trạng nuôi nhỏ lẻ trong khi đó Liên minh châu Âu (EU) đòi hỏi tôm phải sạch và có chứng nhận xuất xứ. Hiện tại, diện tích nhỏ lẻ chiếm đại đa số, khó để có có giấy chứng nhận bởi chi phí rất lớn.

Đó là đánh giá của ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch CTCP Thực phẩm Sao Ta, tại Hội nghị Cơ hội và thách thức cho ngành tôm Việt Nam khi tham gia Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) chiều 29/8.

fg1

Hội nghị Cơ hội và thách thức cho ngành tôm Việt Nam khi tham gia Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu chiều 29/8 (ảnh: MA)

Theo các chuyên gia, ngành tôm Việt Nam có nhiều lợi thế nhưng cũng đang gặp thách thức lớn. Muốn tăng diện tích nuôi tôm đòi hỏi đầu tư về khoa học kĩ thuật, trang thiết bị. 

Ngoài ra, sản xuất nhỏ lẻ hiện còn chiếm 70 - 80% diện tích ngành sản xuất tôm. Thực trạng này dẫn đến khó khăn trong hội nhập, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc. 

"Để đạt chuẩn này, các cơ sở nuôi phải có đủ tài chính mới đáp ứng việc đầu tư theo qui định và qui mô nuôi phải khá lớn mới chia sẻ được chi phí đầu tư thêm vừa nêu. 

Tình hình nuôi tôm của ta khó xử, bởi nuôi nhỏ lẻ là chủ yếu. Người nuôi tôm thiếu vốn và ít đất. Cho nên, hiện nay diện tích nuôi đạt chuẩn nói trên chỉ khoảng 5% diện tích nuôi cả nước", ông Lực nói.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng rào cản kĩ thuật gây khó cho các nước đang phát triển muốn xuất nông sản sang EU vì họ không có khả năng đáp ứng những yêu cầu đó. 

Đại diện doanh nghiệp EU tại hội nghị này cho biết, đây là yêu cầu về an toàn thực phẩm nên các nước không có cách nào khác ngoài chấp nhận và bản thân các nhà sản xuất của EU cũng phải đáp ứng những yêu cầu đó mà không có bất cứ sự ưu tiên nào. 

Các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển đương nhiên gặp khó khăn vì khó có khả năng đầu tư vào công nghệ hay xây dựng các phòng thí nghiệm như các doanh nghiệp EU, tuy nhiên vẫn có thể có giải pháp.  

Tìm giải pháp

Trên thực tế, doanh nghiệp ở các nước đang phát triển có một lợi thế so với các nhà sản xuất châu Âu là có điều kiện tự nhiên thuận lợi, chi phí sản xuất thấp trong khi thường gặp khó khăn về công nghệ và tài chính. 

Các đối tác châu Âu có thể giúp giải quyết vấn đề trên bằng cách chuyển giao công nghệ hoặc đầu tư tài chính để giúp các nhà sản xuất nông phẩm ở các nước đang phát triển đáp ứng được những yêu cầu của thị trường EU.

Một điều cần lưu ý là các mặt hàng thực phẩm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng nên phải chịu sự giám sát khắt khe theo Luật An toàn thực phẩm châu Âu, theo các chuyên gia tham gia Hội nghị.

Doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý muốn xuất khẩu sang châu Âu thì phải đáp ứng những yêu cầu của Luật An toàn thực phẩm châu Âu vì liên quan đến sức khỏe con người. 

Xu hướng tiêu dùng hiện nay không chỉ chú trọng dinh dưỡng mà còn đặc biệt quan tâm đến các nguy cơ hay rủi ro tiềm tàng của thực phẩm đối với sức khỏe con người. 

Doanh nghiệp cần lường trước khả năng trong tương lai họ có thể ban hành các quy định chặt chẽ hơn về an toàn thực phẩm, ví dụ như mở rộng danh mục các chất cấm sử dụng trong nuôi trồng và chế biến, hoặc giảm ngưỡng cho phép dư lượng một số chất trong các loại thủy sản. 

Việt Nam phải xác định là một khi thị trường đòi hỏi thì người sản xuất và xuất khẩu không có cách nào khác là đáp ứng. 

Muốn vậy, các doanh nghiệp cần có kế hoạch chuẩn bị cho tương lai theo hướng phát triển bền vững để đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường châu Âu.

TH

Nhà đầu tư chứng khoán thận trọng trước hai luồng thông tin trái chiều
Thị tường chứng khoán tuần qua chỉ giao dịch trong 2 ngày, nhưng đã cho thấy sự thận trọng của giới đầu tư khi chỉ số tăng, trong bối cảnh thanh khoản ở mức thấp. Giới phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán đang chịu tác động từ 2 luồng thông tin trái chiều.