|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sản xuất không kịp bán vì COVID-19, hãng xe đạp quyết không tăng sản lượng

06:39 | 27/08/2020
Chia sẻ
Dù mọi người đổ xô đi mua xe đạp, tập đoàn Giant vẫn không tăng thêm quy mô sản xuất, vì họ dự báo tình yêu mới mà công chúng dành cho xe đạp sẽ tan biến khi đại dịch kết thúc.

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến các phòng gym ngừng hoạt động, xe buýt và tàu điện hoạt động hạn chế, người dân ưu tiên các phương thức vận động ngoài trời nên doanh số bán xe đạp tăng vọt trên phạm vi khắp thế giới. Nguồn cung xe đạp giảm ở khắp nơi. 

Giant, tập đoàn sản xuất xe đạp lớn nhất thế giới, dự báo nguồn cung của họ sẽ tiếp tục khan hiếm trong thời gian tới.

Sau khi Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vào năm 2018, Giant đã chuyển một số hoạt động sản xuất dành cho thị trường Mỹ từ Trung Quốc đại lục đến trụ sở chính của tập đoàn ở Đài Loan để tránh thuế của Washington. 

Năm 2019, Liên minh châu Âu áp thuế chống bán phá giá đối với xe đạp điện từ Trung Quốc nên Giant cũng bắt đầu sản xuất xe đạp điện ở Đài Loan.

Quá tải vì COVID-19, hãng xe đạp lớn nhất hành tinh chạy đua với thời gian để sản xuất - Ảnh 1.

Dây chuyền sản xuất xe đạp của Giant tại một nhà máy ở Đài Loan. Ảnh: The New York Times

Sự bùng phát của COVID-19 khiến nhu cầu về xe đạp tăng vọt, nên Giant phải đảo ngược hoạt động. Vì cơ sở tại Đài Loan quá tải, họ phải đẩy mạnh sản xuất ở Trung Quốc đại lục dù phải chịu thêm thêm chi phí thuế quan.

"Trung Quốc là nơi duy nhất trên thế giới có thể cho phép nhà sản xuất tăng tốc từ 0 lên 100 ngay lập tức như một chiếc ôtô thể thao," Bonnie Tu, Chủ tịch của Giant, nhận xét.

Năm nay, Nhà Trắng đã tạm thời bỏ thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa Trung Quốc thuộc nhóm sản phẩm không quan trọng về mặt chiến lược. Xe đạp lọt vào danh sách đó, giúp Giant có cơ hội sản xuất một số mẫu xe đạp của họ cho thị trường Mỹ tại Trung Quốc.

Lệnh tạm ngừng áp thuế quan đối với một số loại xe đạp đã hết hạn trong tháng 8, nghĩa là có thể Giant phải điều chỉnh lại chuỗi cung ứng lần nữa. 

"Tôi không muốn rời Trung Quốc, song quá nhiều rào cản thương mại khiến chúng tôi mắc kẹt giữa hai cường quốc", bà Tu thổ lộ.

Nhờ sản xuất xe đạp cho thương hiệu Schwinn mang tính biểu tượng của Mỹ, Giant đã nổi tiếng từ nhiều thập kỉ trước. Sau đó, tập đoàn trở thành một thế lực đúng nghĩa trong ngành xe đạp toàn cầu. 

Khi Trung Quốc bắt đầu thay thế Đài Loan trở thành trung tâm sản xuất, Giant mở các nhà máy ở đại lục trong khi vẫn giữ một nhà máy gần Đài Trung. Ngày nay, tập đoàn có 5 nhà máy ở Trung Quốc, chiếm 70% sản lượng.

Các nhà máy của Giant ở Trung Quốc ngừng hoạt động trong 1,5 tháng khi COVID-19 bùng phát ở đây. Sau đó, châu Âu và Mỹ cũng bắt đầu phong tỏa, các nhà nhập khẩu đã hủy đơn đặt hàng.

Doanh số tại Mỹ bắt đầu tăng trở lại vào tháng 3, theo bà Tu. Hiện nay tất cả nhà máy của Giant đang hoạt động gần như hết công suất. Dù mọi người đổ xô đi mua xe đạp, nữ doanh nhân vẫn không tăng thêm quy mô sản xuất, vì bà dự báo tình yêu mới mà thế giới dành cho xe đạp không thể tồn tại lâu hơn đại dịch. 

"Mọi sự bùng nổ sẽ kết thúc vào một ngày nào đó. Vấn đề chỉ là nó sẽ kết thúc sớm hay muộn", bà bình luận.

Nhạc Phong

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.