Sàn UPCoM: Vàng thau vẫn còn lẫn lộn
Hệ thống giao dịch chứng khoán chưa niêm yết (UPCoM) vừa đạt cột mốc 500 cổ phiếu sau hơn 7 năm xuất hiện. Tính ra, UPCoM đã vượt qua cả sàn HoSE lẫn sàn HNX về số lượng doanh nghiệp tham gia. Đáng chú ý, chỉ chưa đầy 3 tháng đầu năm nay, UPCoM đón nhận tổng cộng 85 cổ phiếu mới. Trong khi con số này ở cả hai sàn niêm yết chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Không những bùng phát về số lượng thành viên, sàn UPCoM còn tiếp đón nhiều gương mặt nổi trội. Có thể kể ra các tên tuổi như: Masan Consumer (MSN), Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Mía đường Quảng Ngãi (QNS), Vietnam Airlines (HVN), Vinatex (VGT), FPT Telecom (FOX), Ngân hàng VIB... VEAM, PV Power, Lộc Trời... đều hé lộ sẽ chọn sàn này làm nơi giao dịch. Có vẻ như UPCoM đang là địa điểm lý tưởng cho các công ty khi muốn lên sàn.
Ông Vũ Đức Sửu, Trưởng Phòng Quản lý Quỹ đầu tư, thuộc Công ty Quản lý Quỹ Vietfund nhìn nhận, sự sôi động của UPCoM có phần tác động từ phía cơ quan quản lý. Những doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa đều bị bắt buộc phải giao dịch tại UPCoM. Thời hạn tối đa để doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên niêm yết tại sàn này, từ 90 ngày (năm 2014) được rút ngắn dần và xuống còn 30 ngày (năm 2016).
Đặc biệt, để hiệu quả hơn, kể từ tháng 11 năm ngoái, luật còn ban hành thêm quy định mới, gắn việc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với giao dịch cổ phiếu trên sàn. Theo đó, doanh nghiệp nhà nước tiến hành IPO thì sau 20 ngày, toàn bộ số cổ phiếu chào bán thành công sẽ tự động giao dịch trên sàn UPCoM mà không cần đợi doanh nghiệp có đăng ký hay không.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) từng đánh giá tuy đây chỉ là thay đổi mang tính kỹ thuật nhưng đã tạo ra hiệu ứng đột phá cao nhất. Quy định mới đã góp phần đem lại nguồn cung hàng hóa phong phú, dồi dào và cũng giúp nhà đầu tư có chỗ để mua bán cổ phiếu.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vicente Nguyen, Giám đốc Đầu tư của Asia Frontier Captial, cho rằng, xu hướng các công ty chọn sàn UPCoM làm điểm đến còn do sàn có điều kiện niêm yết thông thoáng, ít ràng buộc hơn cả. Chẳng hạn, chỉ cần 10 tỉ đồng và có tối thiểu 100 cổ đông (không kể cổ đông lớn), doanh nghiệp đã có thể làm hồ sơ đăng ký niêm yết trên UPCoM, trong khi con số vốn điều lệ tối thiểu tại sàn HNX là 30 tỉ đồng, còn ở HoSE là 120 tỉ đồng.
Những yêu cầu trong hồ sơ đăng ký niêm yết ở sàn UPCoM cũng rất đơn giản. Sàn cho phép doanh nghiệp tự lập và tự chịu trách nhiệm về các thông tin công bố như thông tin quá trình hoạt động, kế hoạch kinh doanh, quản trị doanh nghiệp...
Điều này trái ngược hoàn toàn với đòi hỏi từ các sàn HoSE và HNX là bản cáo bạch, thông tin tóm tắt của doanh nghiệp phải có đơn vị kiểm toán và tư vấn chứng thực. Sàn UPCoM còn cho phép doanh nghiệp tùy ý định giá tham chiếu cho cổ phiếu của mình trong ngày giao dịch đầu tiên. Trong khi ở các sàn chính thống, tính giá tham chiếu phải do các tổ chức tài chính chuyên nghiệp thực hiện.
Chính vì điều kiện niêm yết dễ dàng, quy trình xét duyệt hồ sơ mau chóng (chỉ 5 ngày) nên hàng hóa trên sàn UPCoM được giới chuyên gia đánh giá là “vàng thau lẫn lộn”. Lịch sử giao dịch cho thấy, đã từng có cả doanh nghiệp ma như Công ty Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản miền Trung (MTM) chen chân vào được sàn UPCoM. Đến khi phát hiện ra, giá cổ phiếu MTM đã bốc hơi 80-90%.
Cho đến nay, sàn UPCoM vẫn bị đánh giá là nơi kém minh bạch. Trong khi các doanh nghiệp trên sàn HNX, HoSE phải công bố thông tin theo những quy định riêng thì UPCoM chỉ yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ quy định chung của một công ty đại chúng.
Chẳng hạn, doanh nghiệp không bị bắt buộc công khai báo cáo tài chính theo quý, theo bán niên... Họ chỉ cần báo cáo tài chính năm là đủ. Sàn cũng không đặt nặng chất lượng thông tin. Vì thế, để biết thực hư về một doanh nghiệp nào đó trên sàn này, đòi hỏi người chơi phải săn lùng và thẩm định thông tin cẩn thận.
Đây có lẽ là lý do vì sao, nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa thực sự hiện diện trên sàn UPCoM, dù vốn hóa tại đây đến nay đã xấp xỉ 20 tỉ USD, chỉ thua sàn HoSE. Ông Vicente Nguyễn cho rằng, nếu ở vai trò nhà quản lý, ông sẽ đề xuất các giải pháp để marketing tốt hơn cho sàn UPCoM, siết các quy định theo hướng bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư. Có như vậy mới hy vọng thu hút nhà đầu tư nước ngoài đến với UPCoM.
Đối với nhà đầu tư trong nước, nếu xét ở góc độ đầu tư thì sàn nào cũng chỉ là nơi giao dịch cổ phiếu, không khác biệt về bản chất. Tuy nhiên, ở góc độ tâm lý, nhất là với nhà đầu tư cá nhân, ông Vicente Nguyễn nhận định, UPCoM đem lại nhiều hưng phấn hơn. Tính chất “thắng thua” ở UPCoM cao hơn các sàn khác cũng vì độ rộng trong biên độ giao dịch. Nếu như biên độ giao dịch của sàn HoSE là +/- 7%, sàn HNX là +/-10%, thì ở sàn UPCoM là +/-15%.
Nhưng như đề cập, chất lượng hàng hóa và công bố thông tin ở sàn UPCoM là 2 yếu tố để nhà đầu tư phải dè dặt. Ngoài câu chuyện MTM như đã đề cập thì những trường hợp “cổ phiếu ảo” trên sàn UPCoM là không ít. Cho đến nay, khi nhìn vào một số cổ phiếu nóng trên sàn UPCoM, như trường hợp ở Đạt Phương (DPG), người ta vẫn thắc mắc không ít.
Cổ phiếu DPG đã tăng gần gấp 4 lần so với tham chiếu ban đầu (31.000 đồng/cổ phiếu) và vượt ngưỡng100.000 đồng/cổ phiếu chỉ sau chưa đầy 3 tháng giao dịch (từ 12.1.2017 đến nay). Mức giá này đã ngang với những công ty tầm cỡ như Dược Hậu Giang (DHG), Mía đường Sơn La (LSS)... trong khi DPG chỉ là doanh nghiệp kinh doanh trong ngành xây lắp công trình thủy lợi có vốn điều lệ khoảng 66 tỉ đồng. Số liệu kinh doanh cập nhật nhất mà DPG công bố lại là con số của năm 2015 nên rất khó đánh giá.
Khảo sát sơ lược các tổ chức và quỹ đầu tư thì đều cùng cho biết, họ vẫn ưa chuộng đầu tư tại sàn HoSE, HNX hơn. Bởi đây là sàn đã được thanh lọc bước đầu về điều kiện niêm yết và chuẩn mực trong công bố thông tin, quản trị doanh nghiệp. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên hai sàn này cũng đạt mức độ ổn định và tin cậy.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, một sàn như UPCoM vẫn rất cần thiết và quan trọng, để các công ty tiến hành những bước đệm, tập dượt làm quen trước khi tham gia sàn đấu chính thức và nghiêm ngặt là HoSE hay HNX. Thực tế cũng minh chứng, khi đã cứng cáp hơn và muốn vươn xa hơn trong thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, các công ty ở sàn UPCoM như Habeco đã quyết định chuyển sàn niêm yết.