|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sàn thương mại điện tử có thể phải nộp thuế thay người bán từ đầu 2025

17:00 | 19/11/2024
Chia sẻ
Từ 1/1/2025, các sàn thương mại điện tử, nền tảng số dự kiến phải khai, nộp thuế thay người bán trên các nền tảng này, theo dự thảo sửa đổi một số điều Luật Quản lý thuế.

Sáng 19/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên 39, cho ý kiến một luật sửa các luật liên quan vấn đề tài chính, trong đó có Luật Quản lý thuế.

Theo quy định hiện hành, người bán trên sàn thương mại điện tử phải tự kê khai, nộp thuế và chịu trách nhiệm. Các sàn thương mại điện tử chỉ có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho cơ quan thuế.

Tuy nhiên, tại dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quản lý thuế, Chính phủ đề xuất từ 1/1/2025, sàn thương mại điện tử, nền tảng số phải khấu trừ, nộp thuế thay và kê khai số đã khấu trừ cho người bán (hộ, cá nhân kinh doanh) trên sàn. Hồ sơ, thủ tục, cách thức và trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay của các sàn thương mại điện tử, nền tảng số sẽ do Chính phủ quy định chi tiết.

Các nhà cung cấp các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, nền tảng số cũng phải đăng ký, khai và nộp thuế tại Việt Nam. Trong đó, các nhà cung cấp nước ngoài có phát sinh thu nhập như Facebook, Apple, Netflix... trực tiếp hoặc ủy quyền đăng ký, khai nộp thuế.

Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết quá trình giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, một số nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Quản lý thuế liên quan đến các quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Do đó, cơ quan thẩm tra và soạn thảo thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội bổ sung nội dung sửa đổi một số điều Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Cụ thể, bổ sung Điều 33 Luật Thuế thu nhập cá nhân là nhà quản lý sàn thương mại điện tử, nền tảng số phải thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay và kê khai thuế đã khấu trừ với các giao dịch của người bán trên các nền tảng này.

Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội. (Ảnh: Media Quốc hội).

Trong báo cáo giải trình một luật sửa 7 luật liên quan tới tài chính gửi Quốc hội, Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo - khẳng định về kỹ thuật, các sàn hoàn toàn có thể thực hiện việc khai, nộp thuế thay người bán.

Cơ quan này cũng cho hay quy định yêu cầu sàn thương mại điện tử khấu trừ, khai, nộp thuế thay người bán nhằm chống thất thu thuế, giảm chi phí, thủ tục hành chính. Bởi chỉ cần một đầu mối - sàn thương mại điện tử, nền tảng số - nộp, khai nghĩa vụ nộp thuế thay cho hàng trăm nghìn cá nhân, hộ kinh doanh trên sàn.

Theo Bộ Tài chính, quy định này có thể khiến các sàn thương mại điện tử phát sinh thêm chi phí nâng cấp hệ thống để xác định số thuế khấu trừ, nộp thay người bán, nhưng "mức này không đáng kể so với chi phí thuê thêm nhân sự về thuế, chăm sóc khách hàng".

Bên cạnh đó, để đảm bảo công bằng, quy định sàn thương mại điện tử khấu trừ, kê khai và nộp thuế thay người bán sẽ áp dụng với cả sàn trong nước và nước ngoài.

Hôm 5/11, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết ngành thuế đã áp dụng nhiều biện pháp chống thất thu thuế trong thương mại điện tử. Cơ quan thuế sẽ dùng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm soát doanh thu, mua bán trên các sàn thương mại điện tử.

Hiện khoảng 102 nhà cung cấp nước ngoài như Meta (Facebook), Google, Tiktok, Netflix, Google... đã kê khai, nộp thuế qua cổng thông tin điện tử của ngành. Lũy kế từ tháng 3/2022 - thời điểm cổng thông tin dành cho các nhà cung cấp nước ngoài vận hành, các doanh nghiệp ngoại đã nộp trên 18.600 tỷ đồng. Ngoài ra, số thuế do Việt Nam khấu trừ nộp thay nhà cung cấp từ khi vận hành cổng khoảng 4.050 tỷ đồng.

Với sàn thương mại điện tử trong nước, ông Phớc cho hay ngành thuế bắt đầu thu từ năm nay. Trong đó, riêng Hà Nội đã thu được khoảng 35.000 tỷ đồng tính tới đầu tháng 11.

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung các luật liên quan vấn đề tài chính sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 29/11.

Anh Minh

Thủ tướng giao nhiệm vụ vận động Mỹ sớm công nhận kinh tế thị trường của Việt Nam cho ngành ngoại giao
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các Đại sứ, Trưởng cơ quan Việt Nam tại nước ngoài vận động Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi nhóm hạn chế xuất khẩu về công nghệ và sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường