|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sản lượng vải thiều Bắc Giang dự kiến giảm 16%

10:28 | 31/05/2022
Chia sẻ
Năm nay, dự kiến sản lượng vải thiều Bắc Giang ước đạt 180.000 tấn, thời gian thu hoạch dự kiến từ ngày 20/5 - 20/7. Mặc dù vậy, nếu so với năm 2021, sản lượng vải thiều giảm khoảng 16%.

Theo Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn khẳng định chất lượng vải thiều Bắc Giang năm 2022 cao nhất từ trước đến nay, với sản lượng ước tính đạt 180.000 tấn, thời gian thu hoạch dự kiến từ ngày 20/5 - 20/7.

Mặc dù vậy, nếu so với năm 2021, sản lượng vải thiều giảm khoảng 16%, theo số liệu của Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang.

Năm nay, vải thiều Bắc Giang dự kiến được tiêu thụ 108.000 tấn (60%) tại thị trường trong nước thông qua các hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị lớn, các chợ đầu mối trong và cả nước. Số còn lại là 72.000 tấn (40%) tiêu thụ tại thị trường xuất khẩu như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Tỷ lệ cơ cấu thị trường tiêu thụ này tương đương so với năm ngoái. Đáng chú ý, Trung Quốc tiêu thụ tới 90% lượng vải thiều Bắc Giang xuất khẩu năm 2021.

Hiện tại, Trung Quốc đang theo đuổi chính sách Zero COVID do đó, việc tiêu thụ vải thiều tại thị trường này được nhiều chuyên gia dự báo sẽ khó khăn hơn.

Hôm 9/5, tỉnh Bắc Giang đã làm việc với ông Hồ Tỏa Cẩm - Tham tán Công sứ, Phụ trách Kinh tế - Thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội về việc đề nghị hỗ trợ xuất khẩu vải thiều của tình này sang thị trường tỷ dân. 

Ông Hồ Tỏa Cẩm cho biết năm nay phía Trung Quốc tiếp tục siết chặt hơn công tác phòng, chống dịch COVID-19 song phía Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội cam kết cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để tỉnh Bắc Giang xuất khẩu vải thiều sang thị trường này.

Tuy nhiên, tỉnh Bắc Giang cần tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 khi xuất khẩu vải thiều.

Đồng thời đề nghị các quy trình chăm sóc, sản xuất, tiêu thụ vải thiều phải đảm bảo an toàn, nhân viên hái vải, lái xe chở vải thiều phải được quản lý chặt chẽ và có xét nghiệm PCR đảm bảo không mắc COVID-19.

Ngoài ra để hoạt động tiêu thụ vải thiều thuận lợi, phía Trung Quốc sẽ chuẩn bị đủ số lượng đầu xe để kéo hàng từ Việt Nam sang Trung Quốc cũng như bố trí bãi đỗ xe dành riêng cho các xe chở vải thiều của Bắc Giang...

Trước những yêu cầu từ phía Trung Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn khẳng định tỉnh Bắc Giang sẽ tập trung chỉ đạo các sở, ngành liên quan hướng dẫn các nhà vườn chăm sóc vải bảo đảm an toàn; làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 từ khâu sản xuất, thu hái đến khâu bốc sếp hàng hóa, vận chuyển đi tiêu thụ.

Các cá nhân trước khi vận chuyển vải thiều đi xuất khẩu đều được xét nghiệm COVID-19 theo phương pháp PCR. Tỉnh thành lập tổ công tác nhằm tháo gỡ khó khăn, kịp thời hỗ trợ thương nhân tiêu thụ vải thiều. Tỉnh Bắc Giang sẽ phát động 100 ngày tập trung cao cho hoạt động tiêu thụ vải thiều.

Bên cạnh đó, tỉnh duy trì 300 cơ sở đóng gói phục vụ đủ nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn và hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, nhà vườn, thương nhân tham gia xuất khẩu tuân thủ, đáp ứng yêu cầu về Lệnh 248, 249 của Hải Quan Trung Quốc.

Tỉnh tổ chức hướng dẫn các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thực hiện đầy đủ, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc năm 2022.

Bên cạnh đó, năm nay, vải thiều tiếp tục được đẩy mạnh tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ sẽ hợp tác với các bên liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, chú trọng khai thác các kênh trực tuyến, thương mại điện tử cho nông sản trên thị trường trong nước. 

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, năm ngoái, tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.821 tỷ đồng (tương đương với năm có doanh thu cao nhất).

Trong đó, doanh thu từ vải thiều ước đạt 4.274 tỷ đồng, doanh thu từ các hoạt động, dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 2.547 tỷ đồng.

Giá bán luôn được duy trì ổn định từ đầu đến cuối vụ, bình quân của cả vụ đạt 19.800 đồng/kg, cơ bản tương đương, thậm chí có thời điểm cao hơn những năm không có dịch.

H.Mĩ